Sunday 30 April 2017

Vài ý rời về "Cha và con và..." (Phan Đăng Di)




1. Một bộ phim tiết chế các diễn dịch về ngữ nghĩa, giải cấu trúc cổ điển, xoáy sâu vào những ấn tượng thị giác, vào điện ảnh của “cái nhìn”. Tổng thể là một thế giới của cảm xúc – thứ cảm xúc chòng chành, khó nắm bắt, vơi rồi lại đầy, buông rồi lại nắm, vừa bí ẩn vừa mở phơi; có cái quyến rũ, cái dấn thân, cái mê đắm, cái bất cần, cái liều lĩnh của tuổi trẻ;  mà đằng sau tất cả lại cứ thăm thẳm một nỗi buồn khó gọi tên và khó cắt nghĩa cho rõ ràng… Cứ như thể có điều gì đó đang mất mát, đang lụi tàn dần đi qua mỗi phút giây ta sống, mà không cách nào níu lại được.

2. Ấn tượng thị giác – và “cái nhìn” đọng lại như những tác phẩm sắp đặt - đó là một bản hoan ca/bi ca của da thịt, của mồ hôi lấp lánh, của ánh nắng óng lên trên từng milimet làn da, trên từng sợi lông tơ,... Cả bộ phim như một cơ thể sống phập phồng, run rẩy, lớn dần lên qua từng cảnh quay, có lúc bung tỏa, vẫy vùng, thét gọi, có lúc lại ngây ngất, mê lịm đến câm nín, một thứ thanh-âm-vô-thanh. Ngôn ngữ của thị giác và vị giác đổ đầy tất cả các giác quan của ta: vị của bùn sền sệt, màu của tiếng nước trong đêm, của những góc rừng tăm tối, nét vụt ngang và mất hút của cánh chim chao qua lưng trời, của mưa tan trong thinh không, của những cú chụp hình đi “bắt giữ” các chuyển động… 
Nhìn chung, phim mang vẻ đẹp hiện sinh của những cái chớp mắt, những cái mơ hồ, của những cái gai góc, ẩm tối, xù xì, lầy lội, thường hay bị quên lãng, bị bỏ qua, mà vẫn lấp lánh một linh hồn của riêng chúng... Nói cách khác, Di ở phim này vô cùng chú tâm trong việc đuổi bắt các khoảnh khắc biến thiên không ngừng, cũng chính là đuổi bắt các ấn tượng và nỗi xúc động từ những khoảnh khắc mong manh, run rẩy, dễ bị bóc trần ấy. 

3. Nhân vật trong phim rất mạnh, vì họ thường đi đến cùng giới hạn của mình, kể cả giới hạn của sự yếu đuối, ngu ngơ; và họ luôn có nhiều giới hạn cùng lúc. Nói cách khác, đằng sau bề ngoài có vẻ ngu ngơ, gần như yếu đuối và "vô dụng" ấy là hơi thở cuồng loạn mạnh mẽ, với cả sự an nhiên, bình lặng đến nghẹt thở… Ở họ, vừa có cái ồn áo náo động vô minh, nhưng cũng có sự tỉnh sáng minh triết kỳ lạ, ví dụ cảnh Vũ nấu ăn (rất người, rất điềm đạm và làm chủ các giác quan và chuyển động của bản thân trong ánh lửa ấm) lại đối lập với cảnh Vũ một mình, cô độc, đơn độc, lạnh lẽo, thu mình trong cơn mưa, không quay mặt ra. Những “trạng thái” tương phản đó là các bản thể người khác nhau, thường xuyên cựa quậy, quẫy đạp…, gào thét đòi hình hài của mình, nhưng cũng vì thế mà khiến cho cái hình hài ấy không bị xơ cứng, đơn điệu, tẻ nhạt.

4. Cực thích, cực xúc động vì đoạn dựng song song (phút 50:16): tiếng nhạc trườn qua trườn lại giữa các cảnh: Hương ngồi thẫn thờ trên mép thuyền trong đêm đen rừng tràm, Vân nhảy múa đê mê bên trên đám đàn ông cuồng loạn của vũ trường, cô bé Mai âm thầm lặng lẽ ngắm nhìn từng tấm phim âm bản lên hình trong phòng ảnh của Vũ… Đẹp đẽ và khắc khoải, những nhân vật của Di như đang trượt từ bản dạng này sang bản dạng khác, rồi lại quay quắt đi tìm lại cái hình bóng vừa thoáng vụt qua của chính mình; chòng chành giữa các border, các đường biên. Trong sự "queer hóa" không gian của Di, họ (các nhân vật) đã trở nên phi giới tính trong sự đa thể, đa dạng của bản sắc, cùng lúc vừa hé lộ vừa che đậy, vừa giấu diếm vừa bung tỏa, vừa cởi mở vừa khắt khe, vừa bạo lực vừa dịu dàng…

5. Cũng bị ám ảnh bởi cảnh 5 gã trai trẻ theo Phụng vào viện để thắt ống dẫn tinh: những khuôn mặt ngu ngơ, gần như “vô tri”, trên một dàn cảnh hẹp và khuôn hình cạn, không có chiều sâu, giống như đạo diễn đang đặt tất cả nhân vật của mình vào một tấn tuồng ngẫu nhiên, đáng buồn cười mà cũng vô cùng đau đớn. Các mảnh hiện thực trôi dạt, chơi vơi trên bề mặt, đều trong trạng thái giễu nhại, hoặc ngụy tạo hiện thực. Một thứ đời nhẹ khôn kham, vừa vùng vẫy chống trả vừa vô nghĩa và bất lực, tất cả đều đi theo những lực, những chiều chuyển động vô hướng của bản năng và vô thức. Và với tuổi trẻ - ngay cả những thứ ghê gớm, đáng sợ nhất cũng có lúc trở thành vô nghĩa, lãng xẹt, lướt qua như một trò chơi, một chuyện đùa (thắt ống dẫn tinh, đánh nhau, mất máy ảnh…)

6. Thật kì lạ, xem đến cuối phim thì hiểu vì sao mình buồn đến thế, và mình yêu cái tình yêu hiện diện trong phim này đến thế. Đó là một thứ tình yêu rất gần với bản năng, rất ít lí trí, đầy khao khát dâng hiến mà không sợ bẽ bàng, thua cuộc; một thứ tình yêu luôn ở trạng thái run rẩy, dễ thương tổn nhưng không phải vì thế mà không mãnh liệt, không tột cùng… Phim cũng ánh lên những cảm xúc, trạng thái rất ấm áp trong quan hệ người và người: người cha (ông Sáu) thương con (Vũ), bao bọc con, bao bọc và lựa chọn cả nam tính cho con, luôn muốn lấy chính mình ra để bù đắp cho con những gì nó thiếu; Vân trang điểm cho Vũ thành người phụ nữ thật rực rỡ để giúp anh có thể tạm quên đi những héo tàn tuyệt vọng bên trong mình, để Vũ có thể có được tình yêu trọn vẹn từ Thăng dù chỉ trong ảo ảnh…

7. Như chính đạo diễn từng nói, ở phim có “nhiều trạng thái của tình yêu không thể kể được, không thể nói ra được”. Chẳng hạn, ta sẽ nhớ rất lâu khoảnh khắc Vân, Thăng, Vũ nằm lăn lóc, ngả ngớn lên nhau, cười nói vô nghĩa, quấn tay chân vào nhau, rồi cùng nhau la hét, hay ngồi ngắm bầu trời và mặt nước... Làm sao mô tả được chuyện gì đang diễn ra trong lòng họ, chỉ biết rằng đó là một trạng thái khó nắm bắt, nhưng cực kỳ sâu sắc và quan trọng/hệ trọng với sự tồn tại của họ (điều mà có thể chính họ cũng không ý thức được). Điều ấy vừa thể hiện sự hiện hữu của họ, đường biên hình hài của họ, bản dạng của họ, vừa thể hiện sự bất định, sự va đập, luân chuyển, đổi vai và tách nhập của họ với nhau: thoáng tách ra, lại thoáng hợp lại làm một cơ thể duy nhất – phi giới tính, luôn tự¸bù đắp các khiếm khuyết trong nhau, đổ đầy nhau,… Vì thế mà sự sống cứ luôn luôn được liên tục tái hồi, tái diễn không phút nào ngừng, với một năng lượng không khi nào vơi cạn.


































2 comments:

  1. Lần đầu tiên đi coi phim này của thầy Di, em ao ước được đi coi lại chỉ để nghe anh Mai Quốc Việt (trong vai nào em cũng ko nhớ nữa) đánh guitar và hát bài "Nỗi buồn hoa phượng" cô ạ. Khi hát bài đó, khuôn mặt anh chàng rất tinh nghịch và dí dỏm, chẳng đượm một chút phiền nào thì ca một bài ca buồn và hoài niệm như thế. Và em cũng rất muốn được xem lại cảnh cô gái nhỏ (người được bố của Vũ chọn làm vợ anh) sau khi được nếm vị đàn bà, nằm cuộn tròn trong lớp bùn đen, lúc đó cảm giác về một sự "hồi sinh", một hình hải được nảy trong lòng đất mẹ, cảm giác mình nhỏ bé hệt cô gái ấy, nhỏ bé và cô đơn. Thêm nữa là cảnh Vũ nằm trơ trọi sau khi thắt ống tinh và cảnh cuối cùng khi đạo diễn lướt qua từng khuôn mặt người như một sự "hồi tưởng". Lúc đó em thấy trống rỗng ghê gớm, em cũng nhớ lại từng khuôn mặt người đã đi qua tuổi trẻ của mình, đã sống, đã chia xa,...

    Lúc đó còn hơi thấy hối hận khi mấy hôm nữa là lấy chồng cô ạ haha :D


    ReplyDelete
    Replies
    1. Có lẽ, với những dạng phim như phim của Di, nó nằm ngoài sự đánh giá hay-dở theo những chuẩn mực suy xét thông thường; hoặc nó chạm đến những điều gì đó rất riêng tư, rất sâu sắc của người này, mà lại trượt hoàn toàn ra ngoài tầm đón đợi của người kia, nhưng nhìn chung nó thách thức những giới hạn, những định kiến mà chúng ta có về mọi thứ và về chính chúng ta. Nói như Apichatpong "I like a film that divides people, a film that delivers a peculiar uneasiness".
      Cảm ơn trò đã luôn dám thử thách mình với những phim như thế này, bởi vậy nên cô luôn thấy em ở bên cạnh cô ;)

      Delete

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...