Saturday 1 April 2017

Vài ý rời về bức tranh "Những linh hồn Phù Nam"


                                              "Những linh hồn Phù Nam" / Họa sĩ: NHT




1. Cảm thức đầu tiên khi xem tranh: ngạc nhiên (tự hỏi sao lại là “ngạc nhiên” mà không phải là cảm xúc khác), song tự trả lời: vì nó đột ngột dâng lên một niềm vui trong trẻo, bản nguyên, đứng về phía cảm tính, phía chất sống,… Thích cái cảm xúc và sự hồn hậu mà người vẽ tranh truyền vào từng nét vẽ sống động, phóng khoáng song cũng rất tỉ mỉ, chăm chút, nâng niu. Thích cái nhìn của người vẽ tranh với những gì mình vẽ: nhẹ nhõm, duyên dáng, thoáng chút hài hước, không phán xét mà chỉ quan sát, tri nhận, tưởng tượng - một tinh thần đương đại về những sự thật hóa thạch của quá khứ.

2. Màu, chất tranh rất tốt và tạo khối rất chặt chẽ, “professional” (rất thích cách chọn màu cho khối bên trái tạo một sức căng, tĩnh và độ bí ẩn; cách chọn màu cho khối bên phải tranh tạo được sự chuyển động, hơi thở, nguồn sống, sự thả lỏng). Tranh có nhịp điệu, có chất nhạc, một thứ nhịp khá uyển chuyển và duyên dáng, từ khối trụ mái vòm bên trái cứng và lặng, qua đường cong xanh mềm mại (của dòng Takeo đó chăng^^), bước sang khối tròn bên phải và xâm nhập vào vũ trụ của các linh hồn Phù Nam xưa với xoáy giếng thăm thẳm như một nguồn năng lượng chưa bao giờ vơi cạn từ nghìn năm trước đến bây giờ.

3. Thích một điều nữa: đó là tinh thần giản dị, thậm chí tối giản, đưa về các vùng không gian, các chuyển động cơ bản nhất, nguyên thủy nhất – như là những hoa văn kỉ hà trên mặt trống đồng hay trên vách hang tiền sử; tối giản nhưng cốt lõi; loại bỏ hết những ấn tượng vụn vặt, những sự vật không thiết yếu để chỉ tập trung vào điều cốt lõi nhất, cái quan trọng nhất, trung tâm nhất của cõi Phù Nam: NHỮNG LINH HỒN.

4. Ngắm tranh, thoáng “chạnh lòng” về sự sự phù du và hữu hạn của lịch sử, của phận người:  mỗi thứ mà con người mang đến (kể cả một cộng đồng người hùng mạnh) dù đẹp đẽ, náo nhiệt, tráng lệ bao nhiêu, rồi cũng chỉ như một cuộc dạo chơi chóng vánh, một cuộc “đốt đuốc chơi đêm”, vui hết cái rực rỡ huy hoàng rồi cũng sẽ lụi tàn, âm thầm lùi sâu vào hậu trường để nhường chỗ cho những nguồn sáng khác. Tuy nhiên, ngay cả sự thật nghiệt ngã này cũng có vẻ đẹp riêng của nó, có ý nghĩa riêng của nó.
[Không liên quan lắm, tự dưng nghĩ đến lời nói của Asin với cô nữ tu ở đền thờ Apollo trong phim Troy: “Ta cho nàng biết một bí mật, một điều mà không ai dạy nàng ở đền thờ. Các thần linh ganh tỵ với ta. Bởi vì ta là người trần. Bởi vì giây phút nào cũng có thể là giây phút  cuối cùng. Điều gì cũng rất đẹp vì tất cả chúng ta phải chết. Nàng sẽ không bao giờ còn đẹp hơn lúc này. Và ta cũng có thể sẽ không còn ở trần gian này lâu nữa.” ]
Điều quan trọng ở đây là cả sự hiện hữu sôi nổi trên bề mặt và sự “lùi bước” âm thầm vào hậu trường, vẫn cùng hiện diện đồng thời trên bề mặt tranh, như thể những hiện tại song tồn, không có cái nào biến mất, không có cái nào mới sinh ra. Hai “khối” linh hồn đều thuộc một thực thể Phù Nam, nhưng chúng được tách biệt trong sự hòa hợp. Nó thể hiện một tinh thần vượt thoát, sự thoải mái của họa sĩ khi vẽ…

5. Nhìn tổng thể: Hai vũ trụ, hai cõi, hai miền trên cùng một thực thể Phù Nam đối thoại với nhau qua nét mềm mại, cú đứt gãy của thời gian và không gian – là con sông đó?
- Cõi Phù Nam nay: những ảnh tượng, tất cả phẳng dẹt, đơn màu, âm thầm và gây niềm kính sợ, kính ngưỡng – tạo hình dưới mái đền, ở ngay đây nhưng lại xa cách ngàn trùng, nghiêm trang, bí ẩn, như che giấu, như ẩn lấp một thế giới thiêng bên trong, câu đố chưa được giải đáp.
- Cõi Phù Nam xưa: là một vũ trụ sâu thẳm, ba chiều, đa sắc, sinh động, giàu sức sống, biến hóa, có nhịp điệu riêng của mình – đó là cõi sống – nhưng nó đã là một quỹ đạo khép kín, tách biệt, khác về chất với tàn tích Phù Nam nay. Tôi thích nghĩ về nó như một thứ “Bảo tàng ngây thơ” (Orhan Pamuk). Có cái gì trong sáng, hồn nhiên, gần như một phản quang về hạnh phúc của trẻ con trong một thế giới thực sự thuộc về nó, nơi mỗi sinh thể tồn tại như là một bộ phận, một tế bào trong cơ thể chung. Không liên quan nhưng điều này khiến tôi liên tưởng đến những đứa trẻ ở Angko Borei, những đôi mắt giống nhau nhìn ta đăm đắm; trong tranh này những cặp mắt thật ám ảnh, chúng vừa hân hưởng thế giới của chúng, vừa nhìn ta, khiến chúng trở nên chủ động trong mối quan hệ người nhìn - nhân vật được nhìn. Chúng là kẻ khác hay chúng chính là ta đang nhìn vào sâu linh hồn ta? Trong điện ảnh, hội họa, có lẽ ít những POV trực diện vào “máy quay” như vậy – nó giảm cắt đi các trung gian, nó đối diện và đối thoại trực tiếp với ta.

6. Chủ thể tranh đi từ Thiêng sang Phàm, từ Phàm sang Thiêng một cách tự nhiên, như tất yếu phải thế; Ở đó, thiêng lẫn trong phàm, phàm hóa thành thiêng, khoảnh khắc thành vĩnh hằng, vĩnh hằng trong khoảnh khắc, hữu hình thành vô hình, vô hình hóa hữu hình:
- Những người phàm, đã trở thành thiêng trong bọc sáng quá khứ, cuốn vào hố thẳm thời gian, qua khoảng cách sử thi vời vợi vô cùng không thể chạm tới thì lại có thể hiểu và cảm về tinh thần, và cực kỳ sống động hiện hữu; họ (những linh hồn PN) như thể được “phàm hóa”, “thế tục hóa”;
- Trong khi đó - những bức tượng hiện tại vốn là vật chất cụ thể có thể cầm nắm, chiêm ngưỡng trực tiếp thì lại rất xa xôi, cách biệt, mờ ảo, huyền bí, được “thiêng hóa”.
Từ cánh cửa của những bức tượng mà mở ra được vũ trụ Phù Nam, cõi Phù Nam xưa với một tinh thần phóng khoáng, đầy chất sống, có nhịp điệu, có hơi thở, không khỏi mang màu sắc “exotic” (hương xa) – cái nhìn từ bên trong kết hợp với cái nhìn từ bên ngoài, của nhà tư bản. Tác giả không nhìn Phù Nam qua một định kiến, một cách nhìn duy nhất, bao phủ. Tác giả trong trường hợp này đã có cái nhìn của Chúa (God’s eye view), vượt hẳn ra ngoài các chiều thời gian và không gian, các khung khổ để tưởng tượng.

7... Hình như họa sĩ có nói với người xem hồn nhiên về việc sẽ đặt một cái tên "Expressionism" hơn cho bức tranh này. Và việc của người xem hồn nhiên, rất đơn giản, là chờ đợi.

                                                                                Hà Nội, 12.3.2017
                                                                                 HCG.





No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...