Friday 13 October 2017

If only you could see...



      Mẹ ạ, hôm nay mùa thu đẹp khôn tả, sau những ngày mưa bão tơi bời (và có thể mai kia những cơn bão mới lại đến). Nhưng hôm nay thì trời xanh, nắng nhạt, gió đủ lành lạnh thanh mát để cảm thấy không khí nhẹ bỗng, sạch tinh. Cuộc đời có bao nhiêu điều tươi mới, dịu dàng như thế, và mẹ đang ở nơi đâu hả mẹ...?
      Mẹ ơi, những ngày đẹp làm con buồn nhiều. Vì cảm giác mẹ, một người yêu vô cùng cuộc đời, một người thật biết sống, biết nâng niu từng giây phút đẹp đẽ giản đơn, lại chẳng bao giờ có được chúng nữa. Con pha cốc trà xanh, ngồi uống một mình bên cửa sổ mở rộng và đầy gió lạnh. Con tưởng tượng mẹ sẽ đến khép bớt cánh cửa, ngồi xuống cạnh con, nhắc con quàng khăn vào kẻo ốm. Con nhớ những ngày gần từ biệt, mẹ nằm mỏng dính trên chiếc giường rộng mênh mông, tiếng mẹ nhẹ như hơi thở, nhưng mỗi khi tỉnh táo mẹ vẫn cố gắng dặn dò con nhiều điều. Mẹ bảo, con hồi nhỏ ốm yếu, quanh năm bị ho, nên lúc nào cũng phải nhớ giữ cổ ấm tay ấm, không bao giờ được uống nước lạnh. Mẹ bảo, ban ngày đã đi dạy vất vả, tối con đừng thức khuya, đừng dùng máy tính nhiều, con là mẹ trẻ con rồi mà sao không biết tự chăm sóc cho mình? Mẹ bảo, tính con cả nghĩ, cuộc đời chẳng bao giờ trọn vẹn, hãy học cách sống nhẹ nhàng thanh thản hơn, mẹ không mong gì ngoài mong con cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Mẹ bảo...
      Vì những gì mẹ dành cho con cứ tràn đầy đến phút cuối cùng như thế, nên đến tận bây giờ, có những lúc thất vọng, có những lúc đau khổ, con vẫn tựa nương vào đó, để đi tiếp, để sống tiếp, để chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ gục ngã.
      Trong một bộ phim con yêu, Poetry, con đã khóc rất nhiều đoạn bà Mija 63 tuổi cô độc, bị bệnh Alzheimer, chợt nhớ về cô bé Mija 3 tuổi - khi được hỏi về "ký ức hạnh phúc nhất trong đời của bà là gì?": Mẹ Mija ốm, chị cô thay mẹ chăm sóc cô. Trong phòng khách, nơi tấm rèm đỏ khép kín, qua khe hẹp, một tia nắng lọt vào, Mija thấy một nửa khuôn mặt chị, một nửa khuất sau tấm rèm: “Mija lại đây nào, lại đây nào” - chị vừa nói vừa vỗ tay. Cô bé Mija mặc váy hồng cứ thế chập chững và vui sướng tiến về phía chị. Dù khi đó còn rất bé, Mija vẫn biết là chị yêu cô, và biết mình thật xinh. Giống như Mija, nếu có một ngày mắc Alzheimer, con cũng sẽ không thể quên những buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trong căn phòng tập thể nhỏ xíu chật chội, sau giờ soạn bài, mẹ ngồi khâu mũ, đan khăn cho con đến khuya. Những chiếc mũ hoa mềm mại, những chiếc giày xinh xắn, những chiếc khăn nhiều màu được khéo léo ghép từ những mẩu len vụn, khiến lúc nào trông con cũng giống một cô công chúa, lúc nào con cũng cảm thấy mình thật xinh đẹp và được yêu thương rất nhiều, dù đó cũng là những tháng ngày mẹ và bố phải xoay xở đến kiệt sức để có được một cuộc sống bình thường cho các con. Giống như Mija, bởi vì trong những ngày bé bỏng kia con đã biết thế nào là hạnh phúc, con là một đứa trẻ hay cười, nên sau này dù cuộc sống đối xử với con thế nào, con sẽ vẫn kiên nhẫn và can đảm đứng trước nó, đón nhận nó...
        Con nghĩ về mẹ mỗi ngày, nghĩ về mẹ lại là cách để con thiền, để con tịnh tâm, để con gột bỏ những phiền lụy, xáo trộn mà đời mang đến. Hướng về những ký ức đẹp đẽ cũng là cách để con đối diện mỗi ngày với thực tại, với một hố sâu thăm thẳm chưa bao giờ vơi trong lòng mình. Dưới hố sâu ấy, có những khi, cơn đau cũ lại dội lên đến nghẹt thở, không cách nào, không làm sao cho dịu đi được. Đó là lúc, con muốn chạy ra ngoài đường, chạy đến cùng trời cuối đất, chỉ để hỏi: Mẹ đang ở đâu giữa những cơn gió lạnh này? giữa những con đường hun hút này? Có những tối muộn con tưởng tượng mình đang lang thang trên phố, đang đứng tần ngần trước một cửa hàng len, đang chọn một chiếc khăn mềm, một chiếc áo cổ lọ thật xinh cho mẹ, như những mùa đông trước. Rồi hình ảnh ấy tan nhanh trong tâm trí, con lại thấy mình vội vã bỏ đi, không dám nhìn lại những cuộn len nhiều màu một lần nào nữa... Nhưng ngay cả những lúc phải trốn chạy như thế, chưa bao giờ, chưa một giây phút nào con ngừng nghĩ về mẹ.
         Hôm nay ngày giỗ mẹ, là ngày cách đây hai năm trước bầu trời sụp dưới chân con. Hai năm qua những người thân của mẹ vẫn quay quắt chống chọi để sống tiếp trong một thế giới không còn mẹ. Nhưng trong những giấc mơ ngắn ngủi của con, mỗi khi mẹ trở về, lúc nào nhìn mẹ cũng khỏe khoắn tươi vui, lúc nào ánh mắt mẹ với con cũng ấm áp vỗ về, như thể thế giới chưa từng đổi thay, bầu trời chưa từng sụp đổ, và chúng ta chưa bao giờ xa cách nhau lâu đến thế... 
         Chiều nay con về thăm mẹ, vẫn trời cao, mây trắng ấy, vẫn ruộng đồng núi đồi mênh mông ấy… Nơi mẹ nằm có cây khế xanh biếc, có cỏ non lấm tấm hoa vàng, có nắng lên buổi sớm sương xuống buổi chiều, có bầy chim rừng bay đi bay về với mẹ sớm tối. Về thăm mộ mẹ, con không gục xuống yếu mềm như mọi khi, con đã biết mỉm cười khi nói chuyện cùng mẹ, khi con đặt những bông cúc vàng tươi trước ảnh mẹ. 
         Bởi thế nên, con xin mẹ cứ thanh thản, cứ an lòng, vì con đang sống tiếp những ước mơ, những nuối tiếc, những thương yêu của mẹ, vì mắt con, tay con, tim con, sẽ thay mẹ tiếp tục ngắm nhìn và nâng niu hết mực những ngày đẹp đẽ dịu dàng của cuộc đời nhiều bão gió này. Mẹ nhé!
                                                                                                     Hà Trung, 13.10.2017

"Soledad"

If only you could see the tears in the world you left behind
If only you could heal my heart just one more time
Even when I close my eyes
There's an image of your face
And once again I come to realize
You're a loss I can't replace

Soledad
It's a keeping for the lonely
Since the day that you were gone
Why did you leave me
Soledad
In my heart you were the only
And your memory lives on
Why did you leave me
Soledad

Walking down the streets of Nothingville
Where our love was young and free
Can't believe just what an empty place
It has come to be
I would give my life away
If it could only be the same
Cause I conceal the voice inside of me
That is calling out your name

Soledad
It's a keeping for the lonely
Since the day that you were gone
Why did you leave me
Soledad
In my heart you were the only
And your memory lives on
Why did you leave me
Soledad

Time will never change the things you've told me
After all we're meant to be love will bring us back to you and me
If only you could see

Soledad
It's a keeping for the lonely
Since the day that you were gone
Why did you leave me
Soledad
In my heart you were the only
And your memory lives on
Why did you leave me

Soledad





Sunday 1 October 2017

Cảm thức Tây Nguyên

                                                                                    

                                                                                            
                                                                                            Dự phần mặt trời lạnh rượu nóng

Đôi khi tôi nghĩ về cách chúng tôi đi xuyên qua Tây Nguyên như cách mà Chương trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp đi tìm “con gái Thủy Thần”, cuộc kiếm tìm đằng đẵng dai dẳng với một thôi thúc mãnh liệt không thể nào ngừng lại. Chương cứ đi vì cần phải đi, đời Chương sẽ là một đời-đi, một niềm-đi, một cảm-thức-đi bất tận vì sẽ không thể nào thực sự tìm thấy điều cần tìm, vì “con gái Thủy Thần” sẽ vĩnh viễn luôn ở phía trước….
Ý nghĩ ấy đến bởi một từ thôi: cảm thức, bởi một hôm nào đó giữa cuộc hành trình qua Nam Trường Sơn, có một bạn đồng hành hỏi tôi – câu hỏi vu vơ mà khơi gợi trong tôi bao khao khát trả lời: Cảm thức là gì? Cảm thức khác cảm giác ở chỗ nào?
Cảm giác, là những phản ứng của giác quan, tức thời và thoáng qua, hiện diện cùng với sự tồn tại có tính hiện thực của chúng ta. Cảm giác thường ngắn ngủi và dễ dàng thay đổi…
Cảm thức, về mặt ngôn từ, đó là sự thức nhận bằng cảm giác/cảm quan, nhưng nó liền lạc và bền lâu hơn tất cả các cảm giác/cảm quan ấy. Như thể đối diện với một điều nằm ở bờ bên kia của lí trí, ta không đo đếm hay phân tích được rành mạch sự thức nhận đó là gì, nó xuyên qua mọi điều, nó trở thành một phần bản thể của ta, vô thức chi phối cách ta cảm xúc, nói năng, hành động, tương tác, nó không phụ thuộc vào những điều kiện hiện thế, hiện tồn, hiện thực và tức thời… Ta khó có thể dùng lời lẽ để mô tả nó một cách trực tiếp và cụ thể, song ta đã tri nhận được nó, biết rằng nó đang ở đó, trong ta, thẳm sâu và toàn vẹn, là cách mà ta cảm thụ về ta và về thế giới.
Quả thực, chúng tôi đi xuyên qua Tây Nguyên theo một cách mà chúng tôi không bao giờ lường được trước khi chuyến đi bắt đầu. Một cách đang và đã trở thành cảm thức.

                                              Nhịp chiêng “Dã thú”



Chúng tôi đã giống Chương như thế nào? Vì sao cuộc phiêu lưu này lại khác những phiêu lưu trước, chẳng hạn núi nước Hòa Bình hay nhà thờ đổ Xương Điền, chẳng hạn hành trình Phù Nam hay art tour Champa? Đi Tây Nguyên, sao tôi cứ thấy như không phải tôi đang đi qua một địa danh, một vùng đất, mà là tôi đang đi qua các bản thể khác nhau của mình, các kiếp sống khác nhau của mình, như thể ngay trong một khắc đã chứa tất cả các chiều thời gian hiện tại – tương lai – quá khứ, một kiểu Déjà vu. Khi ấy, những gì huyền bí nhất, cách biệt nhất, xa vời nhất lại là những thứ gần gũi nhất, đời thường nhất, con người nhất. Cái Phàm và cái Thiêng không tách biệt mà quyện hòa làm một từ ngay khi chuyến đi bắt đầu.
Tôi nhớ chúng tôi đã đến một đám giỗ của người J’rai, người mẹ của chủ nhà đã mất mấy chục năm trước ở nơi xa, không tìm thấy xương cốt, những đứa con đã đủ ăn đủ mặc, giờ mới có thể làm một lễ tưởng nhớ tươm tất để mời họ hàng, làng bản. Họ ngồi ăn và rót rượu cho nhau xung quanh sân vườn, không bát đĩa, cỗ bàn linh đình, chỉ có những tiếng cười nói lặng lẽ. Không khí quanh họ đặc lại như một cốc trà ấm pha buổi sớm và thời gian trôi thật chậm quanh nơi họ ngồi. Chẳng có gì phải vội, đó là cách người J’rai đang sống. Cũng giống như khi đúc tượng nhà mồ, họ chỉ quan tâm đến quãng thời gian mà hình hài bức tượng hiện dần ra sau lớp gỗ nhọc nhằn và kiên nhẫn, còn tác phẩm trọn vẹn cuối cùng không quan trọng, thậm chí sau đó họ cũng chẳng giữ nó lại nữa. Bởi luôn “enjoy” quá trình hơn kết quả là cách mà họ trì hoãn sự hoàn tất của mọi điều, họ nếm trải từng khoảnh khắc của quá trình chưa hoàn tất đó giống như người say ngay từ giọt rượu đầu tiên của một ché rượu cần không bao giờ cạn.
Ở đó, tôi là khách, nhưng không phải khách qua đường, tôi có cảm giác mình luôn được cho cơ hội để trở thành một phần trong cái quá-trình đang trôi chảy của họ. Nó không phải như một giấc mơ huy hoàng kéo dài như chuyến đi Phù Nam, hay một cơn say miên man như chuyến đi Nhà thờ Đổ. Tôi như đứng giữa một bức tranh Fauvism (Dã thú), nắng đốt đến chóng mặt, màu đất bazan đỏ choáng váng, những cánh rừng ngút ngàn, núi cao xanh ngăn ngắt, thác trắng lóa dưới mặt trời, mưa rừng cuồn cuộn xối xả, con suối cạn trơ lòng đá, rượu cần thơm ngọt, bánh vót nguyên chất nóng bỏng, mùi thịt nướng trên than gỗ thơm lịm, tất cả đều chỉ hướng đến một từ thôi: sống. Là ta đang sống đấy, không hẳn là sự nhập hóa thiêng liêng như với Phù Nam, hay sự mê say bất ngờ trước cái đẹp thoát tục như với nhà thờ Đổ, mà là ta trọn vẹn đẩy giác quan của ta, đẩy toàn bộ cơ thể ta vào bầu khí quyển ấy, trộn ta vào không gian và mùi da thịt của những người xa lạ ấy. Khi tôi ngồi cạnh một cụ già kể sử thi, khi tôi nắm tay người phụ nữ trẻ đang hát một bản tình ca Bana với nụ cười e thẹn, tôi thấy từ họ tỏa ra một thứ mùi đặc biệt, đậm đặc và hút tôi vào đó, một thứ mùi vừa của thực tại, vừa xa xôi vô cùng như từ thời nguyên thủy diệu vợi nào… Tôi tự hỏi, cảm thức trong tôi khi ấy và giờ đây là gì, là cảm thức sống, sống nghĩa là trực diện và hiện sinh, là thực tại không thể trốn tránh hay chối bỏ, là việc nụ cười, cái rùng mình, cả nước mắt tôi còn đi nhanh trước cả sự nghĩ, là đi, nói năng, ăn uống, trò chuyện, rung động… - tất cả đều được cảm thức dẫn đường.
Tôi vẫn nhớ giây phút da tôi gai lên vì nhịp chiêng đầu tiên vang dưới bàn tay người đàn ông Ê đê lớn tuổi (và như không có tuổi). Nó là một điều gì quá khác biệt, khác hẳn với tất cả những thanh âm giai điệu tôi đã từng nghe trong đời, nó cũng khác hẳn chính những tiếng cồng chiêng tôi đã từng nghe qua truyền hình, qua mạng xã hội. Ngay ở khoảnh khắc đó, tiếng chiêng dội mạnh vào ngũ quan của tôi, vào da tôi, vào từng chân tóc tôi, tôi cảm thấy bên trong tôi khẽ run rẩy, năng lượng như một dòng nước lớn hút chặt vào bên trong tôi theo từng vòng sóng, từ nhỏ đến lớn, cuộn đi cuộn lại quanh cơ thể. Âm thanh giản đơn nhưng mỗi nốt nhạc nó mang đến lại nhấn tôi chìm sâu hơn vào cõi riêng của nó, tiếng rung của nó như vĩnh viễn không kết thúc, như vĩnh viễn kéo dài cái cảm giác đang-sống, đang-run-rẩy của tôi. Tiếng chiêng chở thân xác mỏi mệt và trơ ỳ của tôi qua biên giới do chính tôi tự dựng lên, tự nhốt mình vào, nó trả tôi về một vùng đất trống, một miền tít tắp thênh thang mà hình như tôi đã từng kiếm tìm (mà cứ vẫn không tìm thấy, cứ vẫn mãi bị nhốt chặt hơn). Khi cùng mọi người nhảy múa theo nhịp chiêng, nước mắt tôi ứa ra trong khi miệng tôi vẫn cười. Hình như tôi vừa thả tự do cho chính tôi. Tự nhiên như hơi thở, như máu chảy trong người, tôi dự phần vào một cõi vô thanh sâu thăm thẳm bên cạnh tiếng chiêng cứ ngày càng dồn dập và vang dội. Điều kì lạ nhất của nó là dẫu nó vô cùng mê hoặc, dẫu nó cuốn tôi lịm dần đi trong đó, nhưng nó không đưa tôi vào một cơn mơ nào hết, mọi biên giới được nới mở rõ ràng, rành mạch như nhịp thở, dù cuồng loạn, mạnh mẽ, thôi thúc nhưng không phải cảnh giới điên loạn, buông thả hay tẩy xóa, quên lãng. Tiếng chiêng gợi sự nồng ấm xoắn quyện, và sự thôi thúc ta phải sống, nhưng nó cuộn tôi vào chứ không đẩy tôi ra xa. Và bao nhiêu cái “tôi” nữa có nhập vào cõi ấy vẫn đủ, vẫn không thiếu chỗ, vẫn thênh thang ngút ngàn...

                                           Cây Kơ nia lãng quên



Một ngày, chúng tôi quyết định vượt qua một đoạn đường dốc dài nguy hiểm, qua một lòng con suối cạn đầy đá lởm chởm và hố sâu, với sự háo hức của việc chỉ vài chục cây nữa là đến được với một tháp Chăm cổ bị bỏ quên trong rừng sâu. Con chiến mã dũng mãnh 16 chỗ gầm lên để giành giật từng mét đường với hành trình. Chúng tôi bật tưng tưng trên ghế như lò xo, tay bám chặt vào thành ghế và thầm cầu nguyện. Nhưng cuối cùng, không như trong các phim siêu anh hùng Hollywood, con chiến mã liều mạng của chúng tôi cũng sa bẫy và lọt xuống một hố lõm hiểm hóc, dù hộc lên bao nhiêu lần cũng không vượt qua được. Chúng tôi mắc kẹt ở một hẻm núi vắng lặng, xung quanh rừng bạt ngàn, và bóng tối tràn tới như một cuộc truy đuổi không cân sức. Sau một vài nỗ lực nhờ giúp đỡ bởi những người M’nông thưa thớt chạy xe thồ qua đường, cuối cùng chúng tôi được đưa về một “trạm cứu hộ”, thực chất là một trạm kiểm lâm trơ trọi nơi đỉnh núi Tây Nguyên. Như một ốc đảo bị loài người bỏ quên.
Suốt cả mấy tiếng đồng hồ căng như dây đàn ấy, sấm chớp nhì nhoằng phía rừng xa, nhưng trời tuyệt đối không đổ một hạt mưa nào.
Trạm kiểm lâm vô cùng vắng lặng, hai anh thanh niên trực trạm - Quang và Hiếu - làm tôi nhớ anh kĩ sư khí tượng thủy văn trên đỉnh núi cao quanh năm không bóng người trong truyện Lặng lẽ Sapa. Anh Quang nói: “lâu lắm rồi mới nhìn thấy nhiều người thế này”. Câu nói của anh làm tôi cảm động. Anh tất bật chuẩn bị chiếu chăn và sắp xếp mọi thứ cho chúng tôi. Cậu trai trẻ tên Hiếu vội vã chạy xe máy rất xa đi mua mì và trứng cho bữa tối của đoàn người đói lả. Chúng tôi nấu ăn và đốt lửa giữa khu vườn rộng thênh thang. Người nghệ sĩ của đoàn ngồi đánh đàn và hát những bài tình ca bên cạnh chú lợn hiền lành, béo mập, những chú chó lơ đễnh đi lại trong sân. Đêm xuống rất nhanh và tất cả trở nên yên tĩnh kì lạ, giống như toàn bộ những tiếng lao xao chúng tôi mang đến không gian của các anh, đã được bọc lại trong một tấm màn cách âm trong suốt. Lần đầu tiên tôi tắm khuya cùng với các bạn, ở cái bồn nước nhỏ cạnh gian bếp tuyềnh toàng của trạm kiểm lâm. Chủ nhà đã ý nhị đặt trên chiếc ghế nhựa nhỏ một miếng xà phòng thơm từ lúc nào. Chúng tôi tắm trong bóng tối, ánh đèn của căn nhà hắt lại từ phía xa. Lúc này tôi thấy tôi như đang tách khỏi thân xác mình, đứng nhìn mình từ xa đang đi lại trong sân với những người khác. Dòng nước chạm vào thịt da và đầu lưỡi mát ngọt, mùi thơm mộc của bánh xà phòng, mùi cây cỏ, mùi đất bazan nồng lên sau một ngày cháy nắng, tiếng côn trùng âm âm vọng lại từ khu vườn xung quanh và từ phía rừng xa, ánh đom đóm chập chờn bên những tàn lửa đỏ bay tản mát, tất cả quyện vào nhau thành một cảm giác gì vừa thân thuộc vừa xa vời vợi, cứ như ta vừa từ một kiếp nào khác của ta về thăm lại ta trong kiếp này.
Trời khuya. Anh Quang nhìn ánh chớp từ phía rừng xa, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về mối tình của anh và một cô gái ở miền quê xa tít tắp. Anh nói với chúng tôi mà như đang thầm thì với chính mình, vừa kể vừa ngập ngừng, vừa kể vừa nhớ lại, đôi lúc lại có những quãng im lặng thật lâu... Cô và anh không có duyên với nhau, anh biết rõ điều đó, nhưng không lúc nào anh thôi nghĩ về cô. Có một ngày, sau bao ngày bặt vô âm tín, anh bất ngờ nhìn thấy cô trên đường, mang khẩu trang, đứng một mình giữa ngã tư chói chang, vậy mà anh vẫn nhận ra cô và luống cuống hết cả chân tay trước khi cất tiếng gọi được cô trở lại. (Ngày hôm đó anh quyết định dừng đám cưới với một người đã được cả gia đình sắp xếp cho anh). Nhưng cuối cùng họ vẫn không thuộc về nhau. Và anh chọn đỉnh núi này, hoặc cũng có thể đỉnh núi này chọn anh, 20 năm rồi anh gần như chỉ "một mình" với nó. Ở mấy căn phòng của trạm, tôi không nhìn thấy cái đồng hồ nào. Có lẽ ý nghĩ một lúc nào đó sẽ quay về quê nhà, sẽ lại vô tình gặp người “con gái Thủy Thần” của mình ở một ngã tư chói chang nào đấy, đã giúp anh đi qua những tháng năm đằng đẵng, không gì gõ nhịp thời gian ngoài ngày và đêm, ngoài những trận mưa rừng ào ạt và những cơn nắng cháy đất. Có lẽ cũng chính ý nghĩ ấy đã kết nối anh với một đời sống nào đó thực hơn, sống động hơn, vui vẻ hơn, hoặc biết đâu đấy, đau khổ hơn, nhưng cũng thân thuộc hơn, ở một chốn bên ngoài cánh rừng, bên ngoài dãy núi, bên ngoài tấm màn cách âm trong suốt này. 
Chị bạn tôi hỏi đùa Quang, sống nơi "tuyệt tình cốc" này có lúc nào anh thấy buồn không? Anh chỉ cười mà không nói gì, một cái cười nhẹ tênh, xa vắng. Nhìn nụ cười đó, tôi chợt nhận ra, Quang từ lâu đã biết làm bạn với nỗi buồn, nơi đỉnh núi thiếu hơi người này anh vẫn đang chơi cùng nỗi buồn và sẽ sống đời với nó. Nỗi buồn đã trong suốt và giản đơn như không khí anh thở, như công việc anh đang làm, như rừng mỗi năm thay lá, rồi mùa khô, mùa mưa cứ nối tiếp nhau qua đi, 20 năm rồi có thể sẽ là 30, 40, 50, hoặc mãi mãi. Sau vài phút lặng im, Quang chợt sôi nổi kể về những tán cây già, những loại gỗ quý, và vùng trời – đất – rừng thân thuộc quanh trạm kiểm lâm. Bỗng dưng tôi muốn hỏi anh về cây kơ nia, một người bạn trong đoàn đã nhìn thấy nó trơ trọi, cao lớn và đơn độc mọc giữa cánh rừng cao su ở Kontum, gần thác Yali. Anh nói gỗ kơ nia không phải loại gỗ quý, nhưng người J’rai rất yêu quý nó, vì rễ nó lớn, nó giữ nước cho rừng, cho người. Anh chỉ tay về phía đám lửa ngoài vườn, lửa cháy bùng bùng bởi những cành nhánh kơ nia khô cong.
Đêm ấy, tôi đã đi qua một giấc ngủ không mộng mị. Cơn mưa đêm đến ào ạt, đột ngột, rũ sạch những ngột ngạt của một ngày nắng cháy với quá nhiều chuyện xảy ra. Lúc đó khoảng 3h sáng. Tôi vẫn ngủ say nhưng vẫn biết là mình đang nằm giữa một cơn mưa, đó là một cảm giác rất rõ ràng và cũng thật kì lạ.
Qua một đêm mưa, đám than ngoài vườn vẫn chưa tàn, từng lọn khói bốc lên nghi ngút trong cái không khí lơ lửng, thanh mát của buổi sớm mai. Tôi ngồi trước thềm nhà, nhìn ra đám lửa than sót lại, trong mùi khói nồng quyện với mùi rừng, trong lúc mọi người lao xao đi lại chuẩn bị tiếp tục lên đường. Tôi ngồi đó và mất cảm giác về việc mình đang ở đó, và sắp không ở đó, như thể cả trăm năm đã trôi qua.
Trước khi chia tay, anh Quang chỉ cho chúng tôi cây kơ nia lớn mọc ở gần cổng trạm và một vài cây nhỏ trong vườn. Không hiểu sao tôi có cảm giác anh đặc biệt yêu loại cây này, có thể anh hợp với nó - người bạn thân ít nói của anh, nó chẳng bao giờ đòi hỏi gì ở anh, càng chẳng bao giờ cần anh nhớ đến sự có mặt của nó - cũng như chú heo mập cô đơn và mấy chú chó lơ đễnh đi lại trong sân, trong một căn nhà không có đồng hồ, chỉ có đom đóm bay ngợp vườn, chỉ có những cơn mưa đêm dữ dội, chỉ có tiếng chim rừng kêu văng vẳng báo cho anh biết một ngày đang qua. Tất cả ở bên anh vô điều kiện, và tôi biết, nếu có một ngày anh rời trạm ra đi, chúng sẽ đơn độc, sẽ thiếu vắng anh vô cùng. Và nếu hỏi sau này tôi nhớ điều gì sâu đậm nơi đây, tôi biết chắc mình sẽ nhớ về cái cây bị lãng quên nhưng vẫn luôn đứng ở cổng trạm vẫy gọi người bạn của nó khi trở về, sẽ nhớ ánh mắt tình cảm của những con vật trong khoảng sân ấy, bao năm qua đã cùng anh chơi với nỗi buồn…
Tôi biết tôi sẽ nhớ mọi điều, như thể tất cả mới vừa xảy ra. Như thể bây giờ vẫn là buổi sáng trong vắt sau cơn mưa rừng, tôi vẫn đứng dưới mái hiên của trạm, nhìn ra phía cây kơ nia đơn độc của anh Quang, nhìn đám khói nồng bốc lên từ chỗ than đỏ chưa tàn, và thấy ai đó giống tôi đang ngồi hát với một mặt trời lẻ loi…
Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi 
Ta thấy em đang ngồi hát khi rừng về nhiều mây


                                                       Và Chị DH.



Tôi quen chị đã lâu, nhưng có lẽ cho đến chuyến đi này tôi mới thực sự "biết" chị. Những câu chuyện của chị từng làm tôi mất ngủ, không chỉ vì chị là một người bạn đồng hành đặc biệt, mà còn vì chị là một điều gì đó xuyên sâu vào cảm xúc của tôi nhiều nhất nơi hành trình Tây Nguyên. 
Không hiểu sao cứ nghĩ về chị, tim tôi lại hẫng một nhịp. 
Chị luôn có cái dáng vẻ ấy, vừa bất cần, liều lĩnh lại vừa thận trọng, nghiêm cẩn, vừa nồng nhiệt, thiết tha vừa dửng dưng, lạnh lùng. Mọi điều về chị đều gắn với tình yêu, chị là người đã yêu, học về nỗi đau, về sự trưởng thành, về tự do, về hạnh phúc, chỉ thông qua tình yêu, chỉ bằng việc yêu mà thôi. Chị nói, tôi thường chụp cho chị những bức ảnh thật đẹp. Cái “đẹp” của chị trong ảnh tôi, mỗi lần nhìn lại, làm tôi ứa nước mắt. Tôi nhìn thấy sự cô đơn, sự ghìm nén của chị, sau những vết thương vĩnh viễn không bao giờ lành, sau cái vẻ mặt phớt lờ mọi thứ trên đời. Chuyến đi này mắt chị đau nặng, cơ thể chị có lẽ cũng đau lắm, vậy mà sao tôi lại thấy chị an yên, nhẹ nhõm, bình thản đến vậy. Nhìn nụ cười của chị - nụ cười trong suốt của một người đã đi qua những vực thẳm sâu nhất của đời người, tôi tìm thấy sự bình an. Chị nói, chị đã là một Phật tử, chị đi Tây Nguyên vì một tiếng gọi nào đó từ sâu thẳm tinh thần của chị, cũng như tất cả những chuyến Cuca Art Tour trước đây. Chị đã sống như một Phật tử, chị không tìm sự giải thoát ở đâu xa, mà giữa những nóng lạnh, tĩnh động triền miên của cuộc đời này. Nên, dù ở tận độ khổ đau hay mất mát hay bị bội phản, chị cũng là người biết rõ giá trị của việc “sống”, và chưa bao giờ ngừng việc yêu, ngừng việc cư xử đúng đắn, tử tế và đẹp đẽ với chính bản thân mình.
Chia tay ở sân bay, tôi và chị bỗng dưng có nhu cầu muốn ôm chặt lấy nhau để tạm biệt, tim tôi thổn thức vì những cảm xúc mà chị đã mang lại cho tôi, khi là một người đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này. Chị là một phần trong cõi Tây Nguyên mênh mông của tôi.


                                Dự phần mặt trời lạnh rượu nóng

Đó là những câu chữ rời rạc mà mạnh mẽ, vang lên gần như ngay lập tức trong trí óc tôi, khi cả đoàn làm thơ đa đa trong rừng già, bên cạnh một tháp Chăm cổ.
Cảm thức về sự dự phần, về sự nóng – lạnh, về sự vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa ở đó vừa không ở đó, vừa là một phần trong đó vừa nằm ngoài đó… tất cả trộn lẫn vào nhau thành một tổng thể không tách rời, không phân chất nổi. Giống như thể nếu ta đi đến giới hạn, thì mọi điều trong ta đều rơi vào trạng thái chuyển đổi cảm giác, chuyển đổi thái cực, ta hoàn toàn tự do và bình đẳng khi đối diện với tự nhiên, với những gì đang xảy đến quanh ta. Và vào phút cuối của cuộc hành trình dài, tôi thầm gọi đó là cảm thức Tây Nguyên.
























































































































































































































                                     
CUCA Art tour Tây Nguyên (10.8 - 20.8.2017)
("Bài viết" được ghép lại từ những đoạn nhật ký cá nhân trong suốt chuyến đi, thương mến gửi lại Nam Trường Sơn và các bạn đồng hành)
H.C.G






Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...