Thursday 6 April 2017

Anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ...




Anh muốn rao lên cho làng nước biết 
hôm nay em bạc đãi một người. 
Nhưng em ơi! anh chỉ đến ngã tư xưa 
anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ.
Có những ngày, tôi nhớ vô cùng cảm giác ngồi một mình đọc thơ ông.
Tôi nhớ cảm giác môi tôi vang lên những âm sắc tuôn tràn, mạnh mẽ, chói gắt nhưng cũng thật mong manh, mờ đục và dễ tổn thương, một thứ gì đó lúc nào cũng chỉ chực tan biến và bay đi trước khi được xâu chuỗi hay kết nối.
Anh hát được nữa không? 
Giữa bản đồ không sạch sẽ
Địa cầu sa mạc màn bạc
Cuốn phim nhân ảnh chiều. 
Cũng là hoài niệm, nhưng thơ ông không bao giờ xếp đặt quá khứ vào những hộp gỗ, những hộc tủ ngăn nắp, trật tự, hiền lành, để có thể dễ dàng kéo ra hay cất vào bất cứ khi nào và bất cứ điều gì mà ông muốn. 
Nghĩ về thơ ông, tôi nghĩ về một cuộc viễn du đầy mạo hiểm trên một con đường xa lạ, với bao nhiêu đèo dốc quanh co hay rất nhiều vực thẳm đang chờ đâu đó mà không một ai kể cả chính ông có thể lường trước, nhưng cũng chính vì thế mà con đường ấy quyến rũ người đi vô cùng.
Anh về cuối gác 
Lầm chín chỗ quặt 
Cửa đóng chín chốt 
Chín cô hầu buồng thức 
Chín thang máy tắc 
Anh về lặng ngắt 
Mưa gõ chín nóc 
Chín cầu chì đứt 
Chín cỗ xúc xắc mất 
Anh ngồi không vặn nhạc 
Xưng sống chín đốt 
Đàn câm chín nốt 
Chín mũi tiêm ngất 
Chín điếu thuốc đốt 
Chín quyển sách không đọc 
Chín bức thư lạc 
Chín sổ địa chỉ nát 
Chín dây điện thoại cắt 
Chín tầng khách sạn 
Mưa gõ chín đoạn 
Nghĩ về thơ ông, tôi nghĩ về chất hiện sinh trong cuồn cuộn thời gian không đầu không cuối - khi mà tất cả mọi xúc cảm hay ý nghĩ, mọi đau đớn hay khoái lạc, mọi hững hờ hay cuồng si, mọi chán chường hay mê đắm, mọi rỡ ràng hay tối tăm, mọi cái đã qua hay điều chưa đến,… cuối cùng đều chỉ quy hồi về Hiện tại, về điểm Khởi đầu
Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn 
(...)
Từ và thơ ơi,
Dạ khúc khởi đầu
Bởi thế, dù cùng với thơ ông, cùng với thứ ngôn từ run rẩy mà trực diện và dễ dàng làm đau tim ấy, người ta có thể lặn xuống đáy vực của tận-thế-người, nhưng người ta cũng sẽ luôn luôn được tái sinh, được "sống lại", với năng lượng dạt dào được tạo ra từ những điều chưa bao giờ được biết tới: 
Ở mỗi góc đường vẫn náu một cơn mơ
Nghĩ về thơ ông, tôi cứ nghĩ về một niềm an ủi thẳm sâu dịu dàng, một sự nhẫn nại vô bờ bến, nó dạy tôi biết hiểu tôi, biết tế nhị với chính tôi, biết xót thương và biết nhìn sâu vào bên trong tôi...
Bởi, nhẫn nại đầu tiên, cũng là nhẫn nại khó khăn nhất, chính là nhẫn nại với chính mình:
Tôi đã bơ vơ
Bơ vơ phải đâu là tội nhỏ ...


                                                     CG. Hà Nội, 7.4.2017






------------------------------------------------------------------------------
KHAI TỪ

Kỷ niệm! Đưa tôi về chốn cũ
Đừng ngại mây che từng cây số buồn rầu!
Đừng ngại mở trong lòng từng cây số nhớ thương!
Tôi đã sống đã lỡ lầm chẳng nhỏ
Trong đời tôi đã có thơ ngây
Tôi đã có đôi ngày nhỏ dại
Hãy châm man mác các dặng đèn
                                        từ kí ức vùi sâu!
Đây có phải bụi Cửa Trường?
Một cuống nhau chôn trạnh lòng phố mẹ!...
Đây có phải đường Hàng Song xanh lấm tấm sao chiều?
Một chút sương lên... lên vừa đủ lạnh
Thôi thế là đành: tôi chẳng có ai yêu!
16 tuổi!!!
Đây là đêm
Ngoài cổng đề lao tim... sao mọc hững hờ...
Đây là ngày
Thời gian lặp đi lặp lại những chiều vàng vọt như nhau

17!
Tôi nổi máu điên
Tôi chồm về ngã Bẩy
Tôi đứng lầm lầm như một cái chòi đêm

18!
Tôi cắn chết nhiều ngày mưa
Tôi đứng xù xụ bến tàu bùn
Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ
Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè.

19!
Khổ to rồi! Không có công ăn việc làm trên trái đất
Tôi nhảy chồm mỗi lúc gió lên
Mau mau! Lấy tình yêu xích tên rồ kia lại!
Kẻo nó nhẩy từ gác mười tầng
Vồ một phố đèn lên
Dĩ vãng! ối ôi! Sống!
Cái nghề này ai ai cũng thạo
Chỉ mỗi mình tôi không thạo mà thôi!
Tôi đã bơ vơ
Bơ vơ phải đâu là tội nhỏ
Ai?
Ai kẻ vá may khi đứt chỉ đường tà?
Những ngày trở trời - ai cháo lão cho tôi?
Thế là xách va li tim đi thui thủi địa cầu

Các bạn ạ!
Tôi đã không thể thoát bơ vơ nếu không
nhờ các bạn...
Nếu không Thi-mệnh bọc đùm...
Ôi! phố mẹ! Để tôi về phố mẹ
Tôi về tảo mộ xó quê tôi...
Tôi tảo mộ từ một dứt ruột đã qua
Từ một dại khờ chưa hết dại...

Phải!
Tôi kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu

Đêm xuống ướt mui rồi
Sông khuya tì tũm vỗ
Đi thôi! kỷ niệm!
Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn
Từ và thơ ơi!
Dạ khúc khởi đầu
...

1959

(Trần Dần, Cổng tỉnh, NXB Hội Nhà văn, 1964)



-----------------------------------------------------------------------------

NGÀY MẶT PHẲNG

Ngày mặt phẳng - bão hoà phàm 
Chẵn lẻ địa cầu không tham dự 
Con số vô thức 
Không gian chẳng thể 
Những tác nghĩa không độ 
Ở mỗi góc đường vẫn náu một cơn mơ.

----------------------------------------------------------------------------

CHÍN KHÚC MƯA THƯ

Em ơi!
Ai xui nhà ươm chín mái?
Tơ ngâm chín vại
Dâu xanh chín bãi
Tằm ngã – chín nong
Ai xui cửa chín chấn song
Đường về phố em đèn lên chín ngả
Thư đi ngỡ ngàng chín ngõ...
Vườn hoa chín cửa
Đợi chờ – chín đêm

Ai xui hồ chín lá sen?
Thuyền bơi chín sải
Ca đêm chín người chạy
Còi tầm chín ngả gọi
Hẹn nhau chín tối
Xưởng xa chín ống khói
Chín người – tìm thư

Ai xui chắn chín ngã tư?
Chậm giờ chín phút
Ai xui chín ô kính ướt
Ngoài trời lá bứt
Chín cản gió lốc
Chín dây đàn – đứt
Chín bông cúc – ngứt
Chín tờ giấy – vứt
Chín nông nỗi – nhức
Chín khúc – lay lứt
Chín mảnh chai – sứt
Chín ngọn đèn – thức
Chín giọt mưa – nấc
Chín khuy áo – tức
Chín bình hoa – nứt
Chín bức thư – lạc
Chín trang – mực nhoè

Ai xui chín ngả mưa khuya?
Xưởng làm chín kíp
Cầu lim chín nhịp
Đò lên không kịp
Chín cửa sông khép
Nhầm chín bưu thiếp
Nhà nguội chín bếp
Buồng xưa – mưa nín
Dương cầm chín phím
Hẹn đi chín hẹn
Chín lần lạc thư

Ai xui?
Ai xui chín phố quanh co?
Chắn tàu chín đoạn
Anh đi chín sớm
Mưa to chín quận
Đèn muộn chín ngọn
Anh tìm chín xưởng
Chín thư không người nhận
Anh về chín ngõ lấm
Chín làn khói cuộn
Nhà trọ chín phản
Chín góc công viên sương ngậm
Anh về chín khách sạn
Chín con đường xám
Chín ngã tư vắng
Qua nhà chín bận
Anh về hối hận
Anh về nín lặng
Mưa dầm – chín đêm...

Ôi em!
Ai xui?
Ai xui khách sạn chín tầng?
Thềm lên chín bậc
Nhà cao chín nóc
Cửa quay chín góc
Anh trèo chín gác
Hành lang chín cột
Chín ngọn đèn bật
Chín buồng vào lạc
Bình phong chín bức
Thuốc ngủ chín cốc
Tải đi chín xác
Chín xe cứu thương rúc

Anh về cuối gác
Lầm chín chỗ quặt
Cửa đóng chín chốt
Chín cô hầu buồng thức
Chín thang máy tắc
Anh về lặng ngắt
Mưa gõ chín nóc
Chín cầu chì đứt
Chín cỗ xúc xắc mất
Anh ngồi không vặn nhạc
Xưng sống chín đốt
Đàn câm chín nốt
Chín mũi tiêm ngất
Chín điếu thuốc đốt
Chín quyển sách không đọc
Chín bức thư lạc
Chín sổ địa chỉ nát
Chín dây điện thoại cắt
Chín tầng khách sạn
Mưa gõ chín đoạn
Anh ngồi nín lặng
Anh ngồi hối hận
Mưa dầm – lạc thư
Em ơi!
Em ơi!

Thư!... Thư!... Thư!... Thư!...

Địa chỉ đề – mưa ướt
Chín lần – thư mưa...


------------------------------------------------------------------------

BUỔI CHIỀU

Anh hát được nữa không? 
Không gian hăm nhăm giờ 
Ở một địa đầu xa vũ trụ 
Khi buổi thu chiều lanh lảnh sao lên. 

Anh hát được nữa không? 
Giữa bản đồ không sạch sẽ 
Địa cầu sa mạc màn bạc 
Cuốn phim nhân ảnh chiều. 

Anh hát được nữa không? 
Con đường không gió túa 
Ngẩn ngơ sa mạc lạc 
Bụi thư viện chiều.

----------------------------------------------------------------------

NGÃ TƯ XƯA

Anh muốn rao lên cho làng nước biết 
hôm nay em bạc đãi một người. 
Nhưng em ơi! anh chỉ đến ngã tư xưa 
anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ.





No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...