Sunday, 30 April 2017

Vài ý rời về "Cha và con và..." (Phan Đăng Di)




1. Một bộ phim tiết chế các diễn dịch về ngữ nghĩa, giải cấu trúc cổ điển, xoáy sâu vào những ấn tượng thị giác, vào điện ảnh của “cái nhìn”. Tổng thể là một thế giới của cảm xúc – thứ cảm xúc chòng chành, khó nắm bắt, vơi rồi lại đầy, buông rồi lại nắm, vừa bí ẩn vừa mở phơi; có cái quyến rũ, cái dấn thân, cái mê đắm, cái bất cần, cái liều lĩnh của tuổi trẻ;  mà đằng sau tất cả lại cứ thăm thẳm một nỗi buồn khó gọi tên và khó cắt nghĩa cho rõ ràng… Cứ như thể có điều gì đó đang mất mát, đang lụi tàn dần đi qua mỗi phút giây ta sống, mà không cách nào níu lại được.

2. Ấn tượng thị giác – và “cái nhìn” đọng lại như những tác phẩm sắp đặt - đó là một bản hoan ca/bi ca của da thịt, của mồ hôi lấp lánh, của ánh nắng óng lên trên từng milimet làn da, trên từng sợi lông tơ,... Cả bộ phim như một cơ thể sống phập phồng, run rẩy, lớn dần lên qua từng cảnh quay, có lúc bung tỏa, vẫy vùng, thét gọi, có lúc lại ngây ngất, mê lịm đến câm nín, một thứ thanh-âm-vô-thanh. Ngôn ngữ của thị giác và vị giác đổ đầy tất cả các giác quan của ta: vị của bùn sền sệt, màu của tiếng nước trong đêm, của những góc rừng tăm tối, nét vụt ngang và mất hút của cánh chim chao qua lưng trời, của mưa tan trong thinh không, của những cú chụp hình đi “bắt giữ” các chuyển động… 
Nhìn chung, phim mang vẻ đẹp hiện sinh của những cái chớp mắt, những cái mơ hồ, của những cái gai góc, ẩm tối, xù xì, lầy lội, thường hay bị quên lãng, bị bỏ qua, mà vẫn lấp lánh một linh hồn của riêng chúng... Nói cách khác, Di ở phim này vô cùng chú tâm trong việc đuổi bắt các khoảnh khắc biến thiên không ngừng, cũng chính là đuổi bắt các ấn tượng và nỗi xúc động từ những khoảnh khắc mong manh, run rẩy, dễ bị bóc trần ấy. 

3. Nhân vật trong phim rất mạnh, vì họ thường đi đến cùng giới hạn của mình, kể cả giới hạn của sự yếu đuối, ngu ngơ; và họ luôn có nhiều giới hạn cùng lúc. Nói cách khác, đằng sau bề ngoài có vẻ ngu ngơ, gần như yếu đuối và "vô dụng" ấy là hơi thở cuồng loạn mạnh mẽ, với cả sự an nhiên, bình lặng đến nghẹt thở… Ở họ, vừa có cái ồn áo náo động vô minh, nhưng cũng có sự tỉnh sáng minh triết kỳ lạ, ví dụ cảnh Vũ nấu ăn (rất người, rất điềm đạm và làm chủ các giác quan và chuyển động của bản thân trong ánh lửa ấm) lại đối lập với cảnh Vũ một mình, cô độc, đơn độc, lạnh lẽo, thu mình trong cơn mưa, không quay mặt ra. Những “trạng thái” tương phản đó là các bản thể người khác nhau, thường xuyên cựa quậy, quẫy đạp…, gào thét đòi hình hài của mình, nhưng cũng vì thế mà khiến cho cái hình hài ấy không bị xơ cứng, đơn điệu, tẻ nhạt.

4. Cực thích, cực xúc động vì đoạn dựng song song (phút 50:16): tiếng nhạc trườn qua trườn lại giữa các cảnh: Hương ngồi thẫn thờ trên mép thuyền trong đêm đen rừng tràm, Vân nhảy múa đê mê bên trên đám đàn ông cuồng loạn của vũ trường, cô bé Mai âm thầm lặng lẽ ngắm nhìn từng tấm phim âm bản lên hình trong phòng ảnh của Vũ… Đẹp đẽ và khắc khoải, những nhân vật của Di như đang trượt từ bản dạng này sang bản dạng khác, rồi lại quay quắt đi tìm lại cái hình bóng vừa thoáng vụt qua của chính mình; chòng chành giữa các border, các đường biên. Trong sự "queer hóa" không gian của Di, họ (các nhân vật) đã trở nên phi giới tính trong sự đa thể, đa dạng của bản sắc, cùng lúc vừa hé lộ vừa che đậy, vừa giấu diếm vừa bung tỏa, vừa cởi mở vừa khắt khe, vừa bạo lực vừa dịu dàng…

5. Cũng bị ám ảnh bởi cảnh 5 gã trai trẻ theo Phụng vào viện để thắt ống dẫn tinh: những khuôn mặt ngu ngơ, gần như “vô tri”, trên một dàn cảnh hẹp và khuôn hình cạn, không có chiều sâu, giống như đạo diễn đang đặt tất cả nhân vật của mình vào một tấn tuồng ngẫu nhiên, đáng buồn cười mà cũng vô cùng đau đớn. Các mảnh hiện thực trôi dạt, chơi vơi trên bề mặt, đều trong trạng thái giễu nhại, hoặc ngụy tạo hiện thực. Một thứ đời nhẹ khôn kham, vừa vùng vẫy chống trả vừa vô nghĩa và bất lực, tất cả đều đi theo những lực, những chiều chuyển động vô hướng của bản năng và vô thức. Và với tuổi trẻ - ngay cả những thứ ghê gớm, đáng sợ nhất cũng có lúc trở thành vô nghĩa, lãng xẹt, lướt qua như một trò chơi, một chuyện đùa (thắt ống dẫn tinh, đánh nhau, mất máy ảnh…)

6. Thật kì lạ, xem đến cuối phim thì hiểu vì sao mình buồn đến thế, và mình yêu cái tình yêu hiện diện trong phim này đến thế. Đó là một thứ tình yêu rất gần với bản năng, rất ít lí trí, đầy khao khát dâng hiến mà không sợ bẽ bàng, thua cuộc; một thứ tình yêu luôn ở trạng thái run rẩy, dễ thương tổn nhưng không phải vì thế mà không mãnh liệt, không tột cùng… Phim cũng ánh lên những cảm xúc, trạng thái rất ấm áp trong quan hệ người và người: người cha (ông Sáu) thương con (Vũ), bao bọc con, bao bọc và lựa chọn cả nam tính cho con, luôn muốn lấy chính mình ra để bù đắp cho con những gì nó thiếu; Vân trang điểm cho Vũ thành người phụ nữ thật rực rỡ để giúp anh có thể tạm quên đi những héo tàn tuyệt vọng bên trong mình, để Vũ có thể có được tình yêu trọn vẹn từ Thăng dù chỉ trong ảo ảnh…

7. Như chính đạo diễn từng nói, ở phim có “nhiều trạng thái của tình yêu không thể kể được, không thể nói ra được”. Chẳng hạn, ta sẽ nhớ rất lâu khoảnh khắc Vân, Thăng, Vũ nằm lăn lóc, ngả ngớn lên nhau, cười nói vô nghĩa, quấn tay chân vào nhau, rồi cùng nhau la hét, hay ngồi ngắm bầu trời và mặt nước... Làm sao mô tả được chuyện gì đang diễn ra trong lòng họ, chỉ biết rằng đó là một trạng thái khó nắm bắt, nhưng cực kỳ sâu sắc và quan trọng/hệ trọng với sự tồn tại của họ (điều mà có thể chính họ cũng không ý thức được). Điều ấy vừa thể hiện sự hiện hữu của họ, đường biên hình hài của họ, bản dạng của họ, vừa thể hiện sự bất định, sự va đập, luân chuyển, đổi vai và tách nhập của họ với nhau: thoáng tách ra, lại thoáng hợp lại làm một cơ thể duy nhất – phi giới tính, luôn tự¸bù đắp các khiếm khuyết trong nhau, đổ đầy nhau,… Vì thế mà sự sống cứ luôn luôn được liên tục tái hồi, tái diễn không phút nào ngừng, với một năng lượng không khi nào vơi cạn.


































Tuesday, 25 April 2017

Nghĩ về...thơ tình

Có phải một trong những dấu hiệu của tuổi già là cứ thích ngâm ngợi lại những bài thơ tình thuở trẻ, ngâm ngợi mà lại không thật sự muốn đi tìm hình ảnh tình yêu trong đó? 
Thế này nhé, khi ta 19 đôi mươi, ta đọc thơ tình có thể sẽ chẳng hiểu gì hết, chỉ thấy thích, vì cảm được niềm mê say trong tình yêu (của người khác), vì bị năng lượng đặc biệt của nó cuốn hút, vì thấy đó đúng... là thơ tình! 
Khi ta 30, 40, đã hiểu rồi, đã biết rồi, đã chứng nghiệm rồi, lại thấy chúng như không còn là thơ tình nữa, chúng vượt qua cả ranh giới tình yêu nam nữ thông thường, chúng là những lời "an ủi dịu dàng" và nhẹ nhõm giữa người với người, giữa mỗi người với chính bản thân mình... trong một cuộc đời dài đầy mỏi mệt và lo âu.
Giống như thể, có ai đó vừa kéo mình xuống ngồi cạnh họ, dưới một vòm cây râm mát, xào xạc lá và nắng mùa hè, và nói: cứ nghỉ một lát đi, bạn mỏi chân rồi, đường thì còn xa lắm!





--------------------------------------------------------
CHỈ NHỚ NGƯỜI THÔI ĐỦ HẾT ĐỜI
(Du Tử Lê)

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
em còn gương lược dấu đường ngôi?
nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
bàn tay dư mấy ngón chia phôi!
(tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn)
và những tàn phai đầy tuổi tôi.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
như trời nhớ đất (rất xa xôi.)
nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.
  *
chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau.
đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về.



TÌNH CA
(Lê Đạt)

Em hàng tít đậm vui trang nhất
Anh buồn rao vặt cuối trang tư

Mồng một nắng cửa em xông đất
Anh chờ mưa khuất cuối giao thừa

Em nỡ phân tim làm hai nửa
Nửa quên phần anh nửa nhớ phần người

Đường nắng thường áo lưng ong chành sóng
Em bận lấy chồng gửi bóng anh chăm

Thu tuổi biển tổng trời xanh hoang dại
Mắt xanh còn khuếch đại lũy thừa xanh

Trọn kiếp mải đăm chiêu tự vị
Chữ nhất tâm nghĩa lại nhị tình.




THƠ TÌNH CHO BẠN TRẺ
(Xuân Quỳnh)

Vẫn con đường, vạt cỏ tuổi mười lăm
Mặt hồ rộng, gió đùa qua kẽ lá
Lời tình tự trăm lần trên ghế đá
Biết lời nào giả dối với lời yêu...

Tôi đã qua biết mấy buổi chiều
Bao hồi hộp, lo âu và hạnh phúc
Tôi trăn trở nhiều đêm cùng hoa cúc
Đợi tiếng gà đánh thức sự bình yên

Dòng sông này, bãi cát, cánh buồm quen
Hoa lau trắng suốt một thời quá khứ
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu

Buổi chiều này sặc sỡ như thêu
Muôn màu áo trong hoàng hôn rạng rỡ
Bàn tay ấm, mái tóc mềm buông xoã
Ánh mắt nhìn như chấp cả vô biên
Chẳng có thời gian, chẳng có không gian
Chỉ tuổi trẻ, chỉ tình yêu vĩnh viễn.

Người mới đến những nơi tôi từng đến
Lại con đường vạt cỏ tuổi mười lăm
Lại hàng cây nghe tiếng thì thầm
Lời thành thật, dối lừa trên ghế đá...

Nào hạnh phúc, nào là đổ vỡ
Tôi thấy lòng lo sợ không đâu
Muốn giãi bày cùng ai đó đôi câu
Về tất cả những gì tôi sẽ trải
Mong rút ngắn dặm đường xa ngái
Để cho người tới đích bớt gian truân
Bao khổ đau, sung sướng đời mình
Xin tặng bạn làm bước thang hạnh phúc

Nhưng tôi biết chẳng giúp gì ai được
Những vui buồn muôn thuở cứ đi qua



KHÚC MÙA THU
(Hồng Thanh Quang)

Đã biết ta giờ không trẻ nữa
Sao thương ai ở mãi cung Hằng
Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế
Chẳng chịu nhoà khi tới giữa mùa trăng

Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc
Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc
Có điều chi em mải miết đi tìm ?

Tôi đã đến cùng em và tôi biết
Em cũng là như mọi người thôi
Nhưng chưa hết cuộc yêu tôi đã hiểu
Em ám ảnh tôi trọn một kiếp người

Ngay cả nếu âm thầm em hoá đá
Bầu lặng yên cũng đã vỡ rồi
Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp
Khi thanh âm cũng bất lực như lời

Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy
Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc
Em tìm gì khi thất vọng về tôi ?



CHẲNG HIỂU NỮA RỒI
(Bùi Giáng)

Đi về trong cõi người ta
Em từng đã biết máu da thịt người
Yêu em-anh mỉm miệng cười
Em buồn vô tận điệu cười của anh

Vàng thau lẫn lộn chênh vênh
Làm sao phân biệt Sở Khành? Thúc Sinh?
Còn riêng Kim Trọng đầu tiên
Còn riêng Từ Hải uyên nguyên cuối cùng?

Chẳng nhe? Chẳng nhẽ cực cùng
Tình yêu tuyệt đối điệp trùng dở dang
Yêu nhau từ áng mây vàng
Xa nhau từ bữa trăng vàng rụng rơi

Anh đừng hỏi nữa anh ơi
Tâm tình nhi nữ khắp nơi tan tành
Yêu nhau một phút cũng đành
Miễn là phút ấy chân thành yêu nhau



LÁ THU
(Lưu Quang Vũ)

Quán cà phê dưới gầm xe lửa
Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ
Ngón tay dài trong bóng tối run run
Lá đầu thu xao xác bên đường
Trời chuyển gió sắp quay cuồng bão lớn
Điều tôi nói phải chăng là quá muộn
Em u buồn em có nhận hay không
Em gầy như huệ trắng xanh
Ngọn lửa nhỏ giữa hai vực thẳm
Em tê dại em âm thầm kiêu hãnh
Em cô đơn như biển lạ lùng ơi
Đi tìm nhau suốt đời
Sao bây giờ mới gặp
Khi mặt đất mênh mông đầy biến loạn
Khi bước chân lầm lạc
Khi con người giết nhau
Những lá thư không biết gửi về đâu
Những hải cảng không có tàu cặp bến
Quen thất vọng tôi hồ nghi mọi chuyện
Tìm trong mắt em náo động những chân trời
Ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi
Đã xa vắng trên mặt đường ướt lạnh
Tóc em rối và áo em đỏ thắm
Những bức tranh nổi gió ở trên tường
Hoa cúc vàng - nỗi nhớ của hoàng hôn
Những dãy phố những con thuyền phiêu bạt
Những người con gái con trai im lặng
Mắt mở to trong nắng thẳm mong chờ
Thế giới xanh xao những sự thực gầy gò
Em đã đập vỡ ra từng mảnh
Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh
Em đi tìm thế giới của riêng em
Tình yêu và nỗi khổ của riêng em
Niềm tin lớn giữa cuộc đời vô lý
Nghĩ về em bao buổi chiều lặng lẽ
Tìm trong em bao khát vọng không ngờ
Môi tôi run những lời nói dại khờ
Em ẩn hiện sao còn xa lạ thế
Tôi ảo tưởng quá nhiều ư? Có lẽ
Em cần gì gió lốc của đời tôi.

Mai em đi mùa hạ cũng qua rồi
Tôi ở lại một mình trên phố vắng
Hoa cúc rồi chiều xuân nào tôi đến
Chẳng gặp em - chỉ màu hoa vàng rực
Đêm nay về đốt lửa giữa hồn tôi
Đêm phòng không tiếng nổ vỡ khắp trời
Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát
Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực
Tôi muốn đi tới đích cùng em
Tôi phải đi tới đích cùng em
Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành
Em nhận lấy, em đừng e ngại mãi
Tôi tan nát kinh hoàng sợ hãi
Em cô đơn rồ dại của tôi ơi.




RỒI SẼ CÓ MỘT NGÀY TA HIỂU ĐƯỢC

Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được
Sự khác nhau tinh tế giữa hai điều
Một thứ là cái nắm tay thật chặt
Và gông xiềng mà ngỡ đó là yêu.

Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được
Yêu không hề là dựa dẫm hoàn toàn
Và nếu có một đồng hành dai dẳng
Thì cũng chưa ai chắc sẽ bình an.

Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được
Hôn nhau không có nghĩa ký hợp đồng
Những món quà không hề là tín vật
Hôn và quà đâu có nghĩa là xong.

Rồi sẽ có một ngày ta chấp nhận
“Mình đã thua” theo cách một quý bà
Mắt thẳng nhìn, đầu ngẩng cao đĩnh đạc
Chứ không như một đứa trẻ lu loa.

Rồi sẽ có một ngày ta biết cách
Chọn ngay cho mình những nẻo yên vui
Ai biết được lỡ ngày mai bất trắc
Chuyện tương lai thì quá dễ thay dời.

Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được
Nắng ngoài kia dù lấp lánh niềm vui
Rồi nó cũng sẽ làm mình bỏng rát
Lỡ khi ta say ngủ dưới mặt trời.

Rồi sẽ có một ngày ta biết cách
Tự trồng nên cả một mảnh vườn xinh
Thay vì cứ buồn sầu chờ ai đó
Hái dăm hoa rồi mang đến cho mình.

Rồi sẽ đến một ngày ta hiểu được 
Dù lòng ta có tha thiết thế nào 
Người cứ vẫn lạnh lùng không cảm động
Vậy thì thôi, chứ còn biết làm sao.

Rồi sẽ đến một ngày ta thấu suốt 
Một người kia dù có tốt cách gì
Cũng có lúc sẽ làm mình đau đớn 
Và mình cần phải học cách quên đi.

Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được 
Một lần sai ôi mất cả thành trì
Mối giao tình xây nhiều năm khó nhọc 
Chút sai lầm là có thể tan đi.

Rồi sẽ có một ngày ta thấu rõ 
Bạn bè kia không máu mủ ruột rà 
Nhưng họ là anh em mình có được 
Mà chả cần xin xỏ ở mẹ cha.

Rồi sẽ có một ngày ta chấp nhận
Bạn đổi thay là một chuyện rất thường 
Ai mà chẳng có khi này khi khác
Chả lẽ rồi mình đổi bạn mình luôn?

Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được 
Chính ta nên là bạn tốt của mình 
Vì những người trong đời ta yêu nhất 
Chẳng bên ta trên mọi nẻo hành trình.

Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được 
Đời sống kia dẫu cay đắng thế nào 
Thì mình cũng chả nên hùa theo nó
Mà quên đem gieo xuống chút ngọt ngào…

Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được
Qua đớn đau, mình mạnh mẽ chừng nào
Ta sẽ hiểu, và rồi ta sẽ hiểu
Mọi chuyện đời qua những cuộc ly tao.

(Nguyễn Thiên Ngân  lược dịch từ bài thơ “After a while you learn…” của Veronica A. Shoffstall.)





TÌNH YÊU KHÔNG SỞ HỮU


Anh như cái bình rỗng vỡ đáy
Không chứa không đựng
Anh thông với mênh mông
Em như hoa ngoài đồng
Nở một mình trong gió
Em yêu tự do, nên chẳng cắm vào bình
Nầy anh yêu
Dù mọi thứ đều rỗng và không nhưng vẫn còn cái bình
Em yêu cái bình vỡ đáy
Anh mê say cái hoa ngoài đồng
Nhưng tình yêu lớn hơn mênh mông
Nên không cần sở hữu
                                              (Ba Gàn)







Wednesday, 12 April 2017

Chỉ là Em giữa ngàn vạn bông hồng...





Rất nhiều năm rồi, đây vẫn là một trong những đoạn cho mình nhiều cảm xúc nhất, khi đọc Hoàng tử bé.
Đó là cái ngày Hoàng tử bé bắt gặp ở khu vườn trái đất năm ngàn bông hồng giống hệt như bông hồng ở tiểu tinh cầu mà cậu đã yêu, đã dành trọn sự chăm chút, lo lâu, và cả nỗi thấp thỏm xót xa đau đáu. 
Đó là cái ngày cậu đã nằm dài trên bãi cỏ và nức nở như một đứa trẻ, vì nghĩ rằng điều mình quý trọng tột cùng lâu nay, quý trọng hơn cả sinh mạng của mình, hóa ra lại chẳng có gì đặc biệt!
Cái ngày ấy, cậu đã gặp Cáo, một kẻ minh triết.
Cáo giúp cậu hiểu rằng: vì bông hồng ấy đã “cảm hóa” cậu, nên nó là duy nhất với cậu, và cậu cũng là duy nhất với nó. Bởi cậu đã trao hết cho nó thời gian và trái tim của cậu, đã chăm sóc tưới tắm cho nó, bởi cậu sẵn sàng hy sinh cho nó, bất cứ khi nào nó cần (hoặc thậm chí không cần)… Bởi cậu và nó đã trở nên cần thiết cho nhau, trở nên quan trọng, trở nên vô cùng đặc biệt trong nhau, nó sẽ không giống trăm nghìn bông hồng khác, cũng như cậu, sẽ không giống trăm nghìn cậu bé khác. Chỉ có cậu mới nhìn thấy cái “aura” của bông hồng, cũng như chỉ có bông hồng mới nhận được cái “aura” của cậu…
Và Cáo, cũng vì được Hoàng Tử Bé "cảm hóa" nên giữa hàng ngàn bước chân của loài người mà Cáo luôn trốn chạy, Cáo có thể nhận ra tiếng nhạc trong bước chân của cậu để  sung sướng lao tới. Ngắm nhìn đồng lúa mì chín Cáo không thấy vô cảm như trước đây mà trong đầu lại nghĩ đến mái tóc vàng rộm của cậu để thấy đời thật vui vẻ nhường nào. Và khi cậu phải ra đi, Cáo có thể bật khóc vì thương nhớ cậu, nhưng Cáo biết Cáo và cậu chẳng bao giờ thực sự xa nhau hay mất nhau … Những kí ức đẹp đẽ về cậu, những “tài sản” chung, những xúc cảm chung, những rung động chung, một thế giới chỉ Cáo và cậu có, sẽ khiến Cáo luôn hạnh phúc cho dù cậu có không ở bên Cáo nữa.
Bởi Cáo hiểu một bí mật vô cùng lớn lao của tồn tại: những điều quan trọng nhất, cốt yếu nhất, bền bỉ nhất, thì mắt thường không bao giờ nhìn thấy. Chỉ có trái tim là tinh tường. Chỉ có cảm giác/trực giác của chính mình là đáng kể - ở tại khoảnh khắc đó, khi trực diện đối diện với con người đó, với tình cảm đó, là chính xác và bền bỉ mãi mãi. Nếu nó trong lành và tinh khiết, nó sẽ mãi còn ở đó, không gì lấy đi được, không hủy hoại được, không cần tô vẽ hay tiết chế, không thể thêm vào và cũng không thể bớt đi ở nó bất cứ điều gì.
Nó là duy nhất và không thể thay thế, là bản gốc không có bản sao, là đường truyền vĩnh cửu không bao giờ đứt kết nối,...






------------------------------------------------------------------------------------------------
XXI

Đúng lúc ấy Cáo xuất hiện.
– Xin chào, Cáo nói.
– Xin chào, Hoàng Tử Bé lịch sự đáp lại, em nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai cả.
– Tớ ở đây cơ mà, giọng nói cất lên, ở dưới gốc táo…
– Cậu là ai? Hoàng Tử Bé nói, trông cậu đáng yêu thế…
– Tớ là Cáo, Cáo đáp.
– Đến đây chơi với tớ đi, Hoàng Tử Bé rủ. Tớ buồn quá…
– Tớ không chơi với cậu được đâu. Tớ chưa được cảm hoá.
– Thế à! Tớ xin lỗi, Hoàng Tử Bé nói.
Nhưng suy nghĩ một lát, em hỏi:
– "Cảm hoá" là thế nào?
– Cậu không phải ở vùng này, Cáo nói, Cậu tìm gì đấy?
– Tớ tìm những con người, Hoàng Tử Bé đáp. Thế "cảm hoá" nghĩa là thế nào?
– Loài người có súng, Cáo nói, và họ đi săn. Cái ấy thật phiền! Họ còn nuôi gà nữa. Chỉ có cái này là hay. Cậu đi kiếm gà phải không?
– Không! Hoàng Tử Bé đáp, mình đi tìm bạn. "Cảm hoá" là thế nào?
– Ấy là thứ từ lâu đã bị người ta quên lãng, Cáo nói. Nó nghĩa là "tạo nên những mối kết giao..."
– Tạo nên những mối kết giao ư?
– Đúng vậy, Cáo nói. Đối với tớ hiện thời cậu chỉ là một cậu bé hoàn toàn giống trăm nghìn cậu bé khác. Và tớ chẳng cần gì ở cậu. Và cậu cũng chẳng cần gì ở tớ. Tớ đối với cậu chỉ là một con cáo giống như trăm nghìn con cáo khác. Nhưng, nếu cậu cảm hoá tớ, chúng ta sẽ trở nên cần thiết cho nhau. Đối với tớ, cậu sẽ là duy nhất trên đời, đối với cậu, tớ cũng sẽ là duy nhất trên khắp thế gian này...
– Tớ bắt đầu hiểu, Hoàng Tử Bé nói. Có một bông hoa... tớ nghĩ là cô ấy đã cảm hoá tớ...
– Có thể lắm chứ, Cáo nói. Trên mặt đất này mọi sự đều có thể...
– Ấy! Không phải ở trái đất này đâu, Hoàng Tử Bé nói.
Cáo chăm chú:
– Ở một hành tinh khác à?
– Phải.
– Ở hành tinh ấy có thợ săn không?
– Không.
– Thế thì hay đấy. Thế còn gà?
– Không.
– Thế gian chả có điều gì là hoàn hảo cả! Cáo thở dài.
Nhưng rồi Cáo trở lại với ý nghĩ của nó:
– Tớ sống đơn điệu lắm. Tớ săn gà, người săn tớ. Tất cả loài gà đều giống nhau, và tất cả loài người đều giống nhau. Vì thế, tớ hơi bị chán. Nhưng nếu cậu cảm hóa tớ, đời tớ sẽ tưng bừng ánh nắng. Tớ sẽ nhận ra tiếng bước chân của cậu giữa hàng ngàn tiếng bước chân khác. Nghe tiếng chân người, bao giờ tớ cũng phải trốn chạy. Nhưng tiếng bước chân của cậu như tiếng nhạc vẫy gọi, tớ sẽ nhanh chóng chạy ra khỏi hang. Và cậu nhìn kìa! Cậu thấy không, ở kia, trên cánh đồng, lúa mì đang chín ấy? Tớ không ăn bánh mì. Lúa mì đối với tớ là vô dụng. Các cánh đồng lúa mì đối với tớ chẳng có nghĩa gì. Cái đó thật buồn. Nhưng cậu có mái tóc mầu vàng ruộm. Tuyệt vời biết bao khi cậu cảm hoá tớ! Lúa mì vàng ruộm sẽ gợi cho tớ nhớ về cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió reo trên cánh đồng lúa mì này...
Cáo im lặng và ngắm nhìn Hoàng Tử Bé hồi lâu:
– Nếu cậu vui lòng, hãy cảm hoá tớ đi, Cáo nói!
– Tớ cũng muốn thế lắm, Hoàng Tử Bé trả lời, nhưng tớ không có nhiều thì giờ. Tớ còn phải tìm bạn bè và hiểu biết thêm bao nhiêu thứ nữa.
– Người ta chỉ hiểu được những thứ đã được mình cảm hoá, Cáo nói. Loài người bây giờ chẳng còn đủ thì giờ để hiểu biết gì hết nữa. Họ mua những đồ làm sẵn ở những nơi buôn bán. Nhưng chẳng có nơi nào người ta buôn bán bạn bè cả, nên loài người chẳng còn bạn bè gì nữa. Nếu cậu muốn có một người bạn, hãy cảm hoá tớ!
– Thế thì phải làm gì? Hoàng Tử Bé hỏi.
– Phải biết kiên nhẫn, cáo trả lời. Đầu tiên cậu hãy ngồi xa tớ ra một chút, trên bãi cỏ. - đấy, như thế. Tớ đưa mắt nhìn sang cậu, và cậu đừng nói gì hết. Lời nói chỉ làm ta thêm hiểu lầm nhau. Cứ thế, nhưng mỗi ngày, cậu hãy ngồi xích lại gần tớ thêm một chút...
Ngày hôm sau, Hoàng Tử Bé trở lại chỗ ấy.
– Tốt hơn hết là cậu nên đến đúng vào giờ hôm trước, cáo nói. Nếu cậu đến, chẳng hạn như vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ, tớ đã cảm thấy hạnh phúc. Càng gần đến giờ hẹn, tớ lại càng hạnh phúc hơn. Đến bốn giờ thì tớ đã đứng ngồi không yên và bắt đầu lo lắng. Tớ sẽ hiểu cái giá của hạnh phúc! Nhưng nếu cậu đến bất kỳ, mỗi lần một khác, tớ chẳng biết giờ nào để chuẩn bị tâm thế... Cần phải giữ nghi thức.
– Nghi thức là cái gì? Hoàng Tử Bé hỏi.
– Đó cũng là thứ từ lâu bị người ta quên lãng, Cáo nói. Đó là thứ làm cho ngày này trở nên khác với những ngày khác, giờ này trở nên khác với những giờ khác. Có một nghi thức, chẳng hạn của bọn thợ săn của tớ: Mỗi thứ năm, họ đều khiêu vũ với các cô gái trong làng. Và cái ngày ấy, ngày thứ năm ấy, trở nên kỳ diệu xiết bao! Hôm ấy tớ có thể ra đường rong chơi và lân la đến tít tận khu vườn nho. Nếu bọn thợ săn mà khiêu vũ bất kỳ lúc nào chúng muốn, thì ngày nào cũng giống như ngày nào, tớ sẽ chẳng có lúc nào thảnh thơi được nữa.
Thế là Hoàng Tử Bé cảm hoá Cáo. Và rồi cũng đến lúc chia ly:
– Ah! Cáo nói, tớ phát khóc lên được.
– Tại cậu đấy, Hoàng Tử Bé nói. Tớ tuyệt chẳng muốn cậu đau buồn, cậu lại cứ muốn tớ cảm hoá.
– Đúng thế, Cáo nói.
– Nhưng cậu lại phát khóc! Hoàng Tử Bé nói.
– Đúng thế, Cáo nói.
– Vì chuyện này mà cậu phải đau buồn!
– Không, Cáo nói, tớ thấy hạnh phúc. Hãy nhớ điều tớ nói với cậu về màu vàng ruộm của lúa mì.
Cáo im lặng, rồi nói thêm:
– Cậu hãy tới nhìn lại những đóa hồng kia một lần nữa mà xem. Cậu sẽ hiểu ra rằng đoá hoa của cậu là duy nhất trên đời. Rồi khi quay lại đây từ biệt tớ, tớ sẽ tiết lộ cho cậu một điều bí mật. Đó sẽ là món quà tớ dành cho cậu.
Hoàng Tử Bé tới nhìn lại những bông hồng.
– Các cô chẳng giống chút nào với đoá hồng của tôi, em nói với các bông hồng. Các cô còn chưa là gì cả. Chưa ai cảm hoá các cô, các cô cũng chưa cảm hoá được ai. Trước kia bạn Cáo của tôi cũng như vậy đấy. Cậu ấy mới chỉ là một con cáo giống như trăm nghìn con cáo khác. Song tôi đã kết bạn với cậu ấy, và bây giờ cậu ấy trở thành duy nhất trên khắp thế gian.
Các bông hồng hết sức lúng túng.
– Các cô xinh đẹp, nhưng trống rỗng, Hoàng Tử Bé tiếp tục. Không ai sẵn sàng hy sinh cho các cô. Tất nhiên, kẻ qua đường tình cờ nhìn đoá hồng của tôi, cũng có thể nói rằng cô ấy giống y như các cô. Nhưng đối với tôi, cô ấy quan trọng hơn tất cả các cô. Bởi chính cô ấy, chứ không phải các cô, hàng ngày được tôi chăm lo tưới tắm. Chính cô ấy, chứ không phải các cô, được tôi nâng niu trong lồng kính, Chính cô ấy được tôi chắn gió bằng tấm bình phong. Vì cô ấy tôi bắt sâu, chỉ trừ đôi ba con để dành thành bướm. Tôi đã lắng nghe cô ấy than vãn và khoe khoang, tôi chăm chú lắng nghe cả khi cô ấy thôi không nói nữa. Cô ấy là của tôi.
Rồi em trở lại chỗ Cáo:
– Xin từ biệt, em nói.
– Xin từ biệt, Cáo nói. Bí mật của tớ đây. Nó rất chi giản dị: chỉ có trái tim là tinh tường. Cái cốt yếu mắt thường không sao thấy. 
– Cái cốt yếu mắt thường không sao thấy, Hoàng Tử Bé nhắc lại cho nhớ.
– Đóa hồng của cậu quí giá với cậu như thế chính vì cậu đã dành trọn tấm lòng cho cô ấy.
– Chính vì mình đã dành trọn tấm lòng cho cô ấy... Hoàng Tử Bé nhắc lại cho nhớ.
– Loài người đã quên mất chân lý này, Cáo nói. Nhưng cậu đừng quên: cậu phải luôn có trách nhiệm với tất cả những gì cậu từng cảm hoá. Cậu phải có trách nhiệm với đóa hồng của cậu.
– Mình phải có trách nhiệm với đóa hồng của mình... Hoàng Tử Bé nhắc lại cho nhớ.


Thursday, 6 April 2017

Anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ...




Anh muốn rao lên cho làng nước biết 
hôm nay em bạc đãi một người. 
Nhưng em ơi! anh chỉ đến ngã tư xưa 
anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ.
Có những ngày, tôi nhớ vô cùng cảm giác ngồi một mình đọc thơ ông.
Tôi nhớ cảm giác môi tôi vang lên những âm sắc tuôn tràn, mạnh mẽ, chói gắt nhưng cũng thật mong manh, mờ đục và dễ tổn thương, một thứ gì đó lúc nào cũng chỉ chực tan biến và bay đi trước khi được xâu chuỗi hay kết nối.
Anh hát được nữa không? 
Giữa bản đồ không sạch sẽ
Địa cầu sa mạc màn bạc
Cuốn phim nhân ảnh chiều. 
Cũng là hoài niệm, nhưng thơ ông không bao giờ xếp đặt quá khứ vào những hộp gỗ, những hộc tủ ngăn nắp, trật tự, hiền lành, để có thể dễ dàng kéo ra hay cất vào bất cứ khi nào và bất cứ điều gì mà ông muốn. 
Nghĩ về thơ ông, tôi nghĩ về một cuộc viễn du đầy mạo hiểm trên một con đường xa lạ, với bao nhiêu đèo dốc quanh co hay rất nhiều vực thẳm đang chờ đâu đó mà không một ai kể cả chính ông có thể lường trước, nhưng cũng chính vì thế mà con đường ấy quyến rũ người đi vô cùng.
Anh về cuối gác 
Lầm chín chỗ quặt 
Cửa đóng chín chốt 
Chín cô hầu buồng thức 
Chín thang máy tắc 
Anh về lặng ngắt 
Mưa gõ chín nóc 
Chín cầu chì đứt 
Chín cỗ xúc xắc mất 
Anh ngồi không vặn nhạc 
Xưng sống chín đốt 
Đàn câm chín nốt 
Chín mũi tiêm ngất 
Chín điếu thuốc đốt 
Chín quyển sách không đọc 
Chín bức thư lạc 
Chín sổ địa chỉ nát 
Chín dây điện thoại cắt 
Chín tầng khách sạn 
Mưa gõ chín đoạn 
Nghĩ về thơ ông, tôi nghĩ về chất hiện sinh trong cuồn cuộn thời gian không đầu không cuối - khi mà tất cả mọi xúc cảm hay ý nghĩ, mọi đau đớn hay khoái lạc, mọi hững hờ hay cuồng si, mọi chán chường hay mê đắm, mọi rỡ ràng hay tối tăm, mọi cái đã qua hay điều chưa đến,… cuối cùng đều chỉ quy hồi về Hiện tại, về điểm Khởi đầu
Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn 
(...)
Từ và thơ ơi,
Dạ khúc khởi đầu
Bởi thế, dù cùng với thơ ông, cùng với thứ ngôn từ run rẩy mà trực diện và dễ dàng làm đau tim ấy, người ta có thể lặn xuống đáy vực của tận-thế-người, nhưng người ta cũng sẽ luôn luôn được tái sinh, được "sống lại", với năng lượng dạt dào được tạo ra từ những điều chưa bao giờ được biết tới: 
Ở mỗi góc đường vẫn náu một cơn mơ
Nghĩ về thơ ông, tôi cứ nghĩ về một niềm an ủi thẳm sâu dịu dàng, một sự nhẫn nại vô bờ bến, nó dạy tôi biết hiểu tôi, biết tế nhị với chính tôi, biết xót thương và biết nhìn sâu vào bên trong tôi...
Bởi, nhẫn nại đầu tiên, cũng là nhẫn nại khó khăn nhất, chính là nhẫn nại với chính mình:
Tôi đã bơ vơ
Bơ vơ phải đâu là tội nhỏ ...


                                                     CG. Hà Nội, 7.4.2017






------------------------------------------------------------------------------
KHAI TỪ

Kỷ niệm! Đưa tôi về chốn cũ
Đừng ngại mây che từng cây số buồn rầu!
Đừng ngại mở trong lòng từng cây số nhớ thương!
Tôi đã sống đã lỡ lầm chẳng nhỏ
Trong đời tôi đã có thơ ngây
Tôi đã có đôi ngày nhỏ dại
Hãy châm man mác các dặng đèn
                                        từ kí ức vùi sâu!
Đây có phải bụi Cửa Trường?
Một cuống nhau chôn trạnh lòng phố mẹ!...
Đây có phải đường Hàng Song xanh lấm tấm sao chiều?
Một chút sương lên... lên vừa đủ lạnh
Thôi thế là đành: tôi chẳng có ai yêu!
16 tuổi!!!
Đây là đêm
Ngoài cổng đề lao tim... sao mọc hững hờ...
Đây là ngày
Thời gian lặp đi lặp lại những chiều vàng vọt như nhau

17!
Tôi nổi máu điên
Tôi chồm về ngã Bẩy
Tôi đứng lầm lầm như một cái chòi đêm

18!
Tôi cắn chết nhiều ngày mưa
Tôi đứng xù xụ bến tàu bùn
Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ
Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè.

19!
Khổ to rồi! Không có công ăn việc làm trên trái đất
Tôi nhảy chồm mỗi lúc gió lên
Mau mau! Lấy tình yêu xích tên rồ kia lại!
Kẻo nó nhẩy từ gác mười tầng
Vồ một phố đèn lên
Dĩ vãng! ối ôi! Sống!
Cái nghề này ai ai cũng thạo
Chỉ mỗi mình tôi không thạo mà thôi!
Tôi đã bơ vơ
Bơ vơ phải đâu là tội nhỏ
Ai?
Ai kẻ vá may khi đứt chỉ đường tà?
Những ngày trở trời - ai cháo lão cho tôi?
Thế là xách va li tim đi thui thủi địa cầu

Các bạn ạ!
Tôi đã không thể thoát bơ vơ nếu không
nhờ các bạn...
Nếu không Thi-mệnh bọc đùm...
Ôi! phố mẹ! Để tôi về phố mẹ
Tôi về tảo mộ xó quê tôi...
Tôi tảo mộ từ một dứt ruột đã qua
Từ một dại khờ chưa hết dại...

Phải!
Tôi kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu

Đêm xuống ướt mui rồi
Sông khuya tì tũm vỗ
Đi thôi! kỷ niệm!
Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn
Từ và thơ ơi!
Dạ khúc khởi đầu
...

1959

(Trần Dần, Cổng tỉnh, NXB Hội Nhà văn, 1964)



-----------------------------------------------------------------------------

NGÀY MẶT PHẲNG

Ngày mặt phẳng - bão hoà phàm 
Chẵn lẻ địa cầu không tham dự 
Con số vô thức 
Không gian chẳng thể 
Những tác nghĩa không độ 
Ở mỗi góc đường vẫn náu một cơn mơ.

----------------------------------------------------------------------------

CHÍN KHÚC MƯA THƯ

Em ơi!
Ai xui nhà ươm chín mái?
Tơ ngâm chín vại
Dâu xanh chín bãi
Tằm ngã – chín nong
Ai xui cửa chín chấn song
Đường về phố em đèn lên chín ngả
Thư đi ngỡ ngàng chín ngõ...
Vườn hoa chín cửa
Đợi chờ – chín đêm

Ai xui hồ chín lá sen?
Thuyền bơi chín sải
Ca đêm chín người chạy
Còi tầm chín ngả gọi
Hẹn nhau chín tối
Xưởng xa chín ống khói
Chín người – tìm thư

Ai xui chắn chín ngã tư?
Chậm giờ chín phút
Ai xui chín ô kính ướt
Ngoài trời lá bứt
Chín cản gió lốc
Chín dây đàn – đứt
Chín bông cúc – ngứt
Chín tờ giấy – vứt
Chín nông nỗi – nhức
Chín khúc – lay lứt
Chín mảnh chai – sứt
Chín ngọn đèn – thức
Chín giọt mưa – nấc
Chín khuy áo – tức
Chín bình hoa – nứt
Chín bức thư – lạc
Chín trang – mực nhoè

Ai xui chín ngả mưa khuya?
Xưởng làm chín kíp
Cầu lim chín nhịp
Đò lên không kịp
Chín cửa sông khép
Nhầm chín bưu thiếp
Nhà nguội chín bếp
Buồng xưa – mưa nín
Dương cầm chín phím
Hẹn đi chín hẹn
Chín lần lạc thư

Ai xui?
Ai xui chín phố quanh co?
Chắn tàu chín đoạn
Anh đi chín sớm
Mưa to chín quận
Đèn muộn chín ngọn
Anh tìm chín xưởng
Chín thư không người nhận
Anh về chín ngõ lấm
Chín làn khói cuộn
Nhà trọ chín phản
Chín góc công viên sương ngậm
Anh về chín khách sạn
Chín con đường xám
Chín ngã tư vắng
Qua nhà chín bận
Anh về hối hận
Anh về nín lặng
Mưa dầm – chín đêm...

Ôi em!
Ai xui?
Ai xui khách sạn chín tầng?
Thềm lên chín bậc
Nhà cao chín nóc
Cửa quay chín góc
Anh trèo chín gác
Hành lang chín cột
Chín ngọn đèn bật
Chín buồng vào lạc
Bình phong chín bức
Thuốc ngủ chín cốc
Tải đi chín xác
Chín xe cứu thương rúc

Anh về cuối gác
Lầm chín chỗ quặt
Cửa đóng chín chốt
Chín cô hầu buồng thức
Chín thang máy tắc
Anh về lặng ngắt
Mưa gõ chín nóc
Chín cầu chì đứt
Chín cỗ xúc xắc mất
Anh ngồi không vặn nhạc
Xưng sống chín đốt
Đàn câm chín nốt
Chín mũi tiêm ngất
Chín điếu thuốc đốt
Chín quyển sách không đọc
Chín bức thư lạc
Chín sổ địa chỉ nát
Chín dây điện thoại cắt
Chín tầng khách sạn
Mưa gõ chín đoạn
Anh ngồi nín lặng
Anh ngồi hối hận
Mưa dầm – lạc thư
Em ơi!
Em ơi!

Thư!... Thư!... Thư!... Thư!...

Địa chỉ đề – mưa ướt
Chín lần – thư mưa...


------------------------------------------------------------------------

BUỔI CHIỀU

Anh hát được nữa không? 
Không gian hăm nhăm giờ 
Ở một địa đầu xa vũ trụ 
Khi buổi thu chiều lanh lảnh sao lên. 

Anh hát được nữa không? 
Giữa bản đồ không sạch sẽ 
Địa cầu sa mạc màn bạc 
Cuốn phim nhân ảnh chiều. 

Anh hát được nữa không? 
Con đường không gió túa 
Ngẩn ngơ sa mạc lạc 
Bụi thư viện chiều.

----------------------------------------------------------------------

NGÃ TƯ XƯA

Anh muốn rao lên cho làng nước biết 
hôm nay em bạc đãi một người. 
Nhưng em ơi! anh chỉ đến ngã tư xưa 
anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ.





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...