Tuesday 24 December 2013

Ivan’s childhood của Tarkovsky và niềm suy tưởng về một thế giới không thể cứu rỗi *





Ivan’s childhood là những mảnh vỡ được “montage” từ cuộc đời và những trải nghiệm, những hồi ức của cậu bé Ivan trong cuộc chiến tranh khủng khiếp mà nhân loại đã từng có trong thế kỷ XX. Andrei Tarkovsky – tài năng trác việt của điện ảnh Nga hiện đại đã thực sự “phù phép” cho bộ phim có đề tài quen thuộc này một lối tư duy mới, một cách cắt nghĩa mới về những gì mà nhân loại và nước Nga thực-sự-đã-trải-qua….



Một cấu trúc truyện kể kỳ lạ và một thế giới không có “nhân vật cứu rỗi”

Ivan’s childhood trước tiên là một cốt truyện phi - tuyến tính, và sau đó là một cốt truyện phi-nhân quả, hay nói đúng hơn là chống lại quan hệ nhân quả rạch ròi kiểu Hollywood cổ điển.
Kịch bản gần như không có một “đường dây” cụ thể nào để kết nối câu chuyện định kể, thậm chí có những trường đoạn còn gây cho người xem cảm giác đó chỉ là những cảnh quay rời rạc đặt cạnh nhau. Chẳng hạn, các cảnh sau đây nối tiếp nhau trong một đoạn phim: mọi người đi tìm Ivan và đưa cậu về – cảnh rừng thông thoáng qua - cuộc đối thoại của Kholin, Marsha và Gryaznov trong căn hầm gỗ - Kholin và Marsha nói chuyện trong rừng thông…; hoặc: sau cảnh cái đầu Ivan rơi xuống (mà ta không biết toàn bộ quá trình dẫn đến cái chết của cậu) lại là cảnh những đứa trẻ đùa nghịch đuổi nhau trên bãi biển. Bộ phim liên tục có những khúc gấp, những ngã rẽ đột ngột - còn tác giả thì luôn giấu đi biển chỉ đường. Nói cách khác, tác giả dẫn chúng ta đi theo con đường của những giấc mơ: giấc mơ của nhân vật chính, giấc mơ của chính người làm phim. Chẳng hạn, trường đoạn cuối cùng là niềm mơ mộng về một hiện thực bát ngát, trong lành, bình yên đáng phải có, nên có, và lẽ ra đã có - nếu chiến tranh không can dự vào tuổi thơ của những cậu bé như Ivan. Lối kể chuyện này rõ ràng không theo logic nhân quả, logic của sự kiện mà hướng về logic của sự tưởng tượng, suy tưởng, ước vọng, đôi khi chạm đến ranh giới của cái “siêu thực”.
Khác với nhiều phim Nga giai đoạn trước (Chiến hạm Potemkin, Tháng Mười, Người mẹ…), nhân vật chính trong Ivan’s childhood không còn là đám đông hay một anh hùng bất khuất đại diện cho những phẩm chất tiêu biểu của cộng đồng, hoặc được cộng đồng tung hô và cổ vũ. Nhân vật chính của Ivan’s childhood là một-cá-nhân, một cá nhân nhỏ bé, bị tước đi mọi chỗ dựa của tình máu mủ và hầu như đơn độc giữa một thế giới hoàn toàn khủng khiếp, bạo tàn. Cá nhân ấy không được sinh ra để cứu rỗi thế giới quanh nó, mà để cho thế giới ấy vùi dập, đày ải, biến nó thành một người lính câm nín và khắc khổ. Tên bộ phim “Tuổi thơ của Ivan” nhưng đó lại là câu chuyện một cậu bé bị đánh cắp tuổi thơ, không có tuổi thơ và vĩnh viễn mười hai tuổi khi đã kịp làm một người lớn già nua, đanh cứng trong hình hài một cậu bé. Khuôn mặt của Ivan khi đi vào chiến trường, khi nói chuyện với những người lính khác luôn có nét già dặn, khắc khổ của một đứa trẻ phải gồng mình lên để chống chọi lại tất cả. Chiến tranh làm cho cậu trơ mòn, chai lỳ với cả nỗi sợ hãi (“Tôi không sợ”, “Hãy gọi cho số 51”, “Tôi sẽ bỏ trốn”…), tất cả tạo nên một niềm cảm thương không nguôi cho khán giả. Ivan là một bức chân dung để lại dư chấn mạnh mẽ cho người xem. Nhưng lăng kính của Ivan cũng là lăng kính mẫn cảm nhất, trong trẻo nhất để người ta nhìn thấy những vết thương và mảnh vỡ của chiến tranh in hằn trên đó. Dầu vậy, điều đáng nói ở chỗ: Ivan vẫn mãi là một đứa trẻ thơ ngây trong những giấc ngủ và những giấc mơ của mình, và ngay cả chiến tranh hay cái chết cũng không thể cướp đi và kết thúc những giấc mơ cao rộng ấy của cậu bé.

“Điện ảnh thơ” trong dàn cảnh – quay phim - ánh sáng…

Ivan’s childhood  là một minh chứng tuyệt vời cho sự kết hợp giữa hai phạm trùĐiện ảnh thơ” và “Điện ảnh hiện thực” như một sáng tạo nổi bật trong lịch sử điện ảnh Nga thời kỳ đó. Và Tarkovsky là một trong những người dẫn đầu.
Trong phim, ký ức và thực tại, hiện thực và mộng tưởng luôn hòa trộn vào nhau, đuổi bắt lẫn nhau, dẫn dắt nhân vật từ thế giới nọ sang thế giới kia và ngược lại, có lúc bước sang trạng thái siêu thực. Chẳng hạn, ở trường đoạn đầu tiên, khi cậu bé đắm chìm trong thiên nhiên tươi đẹp, tác giả sử dụng kỹ xảo stop-motion (chuyển cảnh trong cảnh) với tốc độ nhanh khiến người xem có cảm giác thân thể cậu bé nhẹ bỗng và đang lướt bay cùng tiếng chim qua không gian, qua những rặng cây. Hoặc trường đoạn Ivan độc diễn với những đối thủ và “bạn hữu” tưởng tượng giữa bốn bức tường của căn hầm cũng là một dẫn chứng tiêu biểu của kiểu dựng phim “siêu thực” này.. Tác giả luôn đặt những “vách nối” giữa các mảng hồi ức, mộng mơ và thực tại trần trụi: cảnh nước nhỏ vào chậu và cánh tay Ivan nối sang cảnh lòng giếng trong vắt nơi hai mẹ con soi nhìn những vì sao, nối tiếp cảnh cậu bé bắt bóng sao dưới đáy giếng, rồi mẹ trúng đạn và chiếc gầu rơi xuống; hoặc tiếng nước nhỏ trong phòng và hồi tưởng về cơn mưa với chiếc xe chở đầy những quả táo mọng. Dường như luôn có hai thế giới song hành cùng nhau trong bộ phim này và cả hai đều hiện lên với đầy đủ dáng nét rõ ràng, đặc trưng nhất của nó: cái khốc liệt thì vô cùng khốc liệt, cái mơ mộng thì cũng bay bổng, lãng mạn vô cùng…
Đây cũng là một thế giới đầy ắp các biểu tượng: cảnh khói lửa che phủ cả mặt trời, cảnh hai xác chết với dòng chữ “chào mừng”, cảnh hai mẹ con ngắm nhìn ngôi sao trên mặt nước, cảnh cánh cửa khép mở nặng nề nơi căn nhà hoang đổ nát mà Ivan gặp ông già (với con gà đứng cạnh) đang đi tìm chiếc đinh để đóng ảnh người vợ bị quân Đức giết chết… Ông già là chân dung tiêu biểu của một người dân Nga bình thường trong cuộc chiến: ngơ ngác, đau khổ, mất mát vì chiến tranh, phải nương náu vào quá khứ để tiếp tục sống phần còn lại của cuộc sống mà tạo hóa đã ban cho mình.
Trong bộ phim, góc máy thấp thường xuyên được sử dụng: cảnh quay Ivan qua đáy của quả chuông, cảnh chèo thuyền qua xác máy bay rơi, cảnh quay căn hầm nơi Ivan trú ngụ cùng những người lính khác…. Khuôn hình chặt, tạo cảm giác ngột ngạt, bức bối, trần nhà như trĩu xuống đè nặng lên vai người. Góc máy quay cũng thật kỳ lạ: nhân vật ít khi ở trung tâm và “ngay ngắn” giữa khuôn hình. Có lúc máy đặt nghiêng - thấp để thấy cảnh Ivan rời khỏi cánh cửa của cối xay gió và bước ra mặt đất mênh mông hoang tàn được giới hạn bởi một đường vạch chéo và một lớp khói phía xa xa. Có lúc máy quay chỉ lấy hai phần khuôn ngực và thân hình gầy gỏ của Ivan khi cậu thay áo. Lại có lúc máy quay lấy trung cảnh Gryaznov (làm nét) và hình bóng mờ ảo của Ivan phản chiếu qua gương thể hiện cái nhìn xúc động của người sỹ quan khi anh về tìm Ivan sau trận bom ác liệt… Trường đoạn Ivan chuẩn bị “lên đường” cũng là một trường đoạn rất đặc sắc về phương diện “ngôn ngữ điện ảnh”: máy quay hầu như không quay khuôn mặt Ivan mà chỉ quay những người đối diện cậu, Kholin vừa gói ghém thức ăn, súng ống cho Ivan vừa yên lặng quan sát Ivan, máy quay chỉ lướt qua một phần khuôn ngực gầy gò, nhỏ bé của cậu, cận cảnh đôi tay cậu đang buộc những chiếc dây giày cũ kĩ, cuối cùng mới chớp nhoáng qua khuôn mặt nhem nhuốc và đôi mắt sáng bừng trong đêm của cậu bé, một khuôn mặt không hé lộ đường nét tình cảm rõ rệt nào. Lối quay này khiến cho người xem khó nắm bắt được tâm trạng thực sự của Ivan, nhưng lại có thể cảm thấy tất cả sức ép khủng khiếp của ngoại cảnh – một cái gì vừa tất yếu vừa tàn nhẫn - đang đè nặng lên chuyến đi của Ivan bé nhỏ. Cảnh quay cuối trường đoạn này sẽ là đường dây nối với những cảnh cận khuôn mặt Ivan trước khi tham gia vào chiến tranh – khuôn mặt vừa ngây thơ vừa tò mò háo hức khi cậu “khám phá thế giới” (với cánh rừng, tiếng chim, ngôi sao nơi đáy giếng, cơn mưa, người bạn gái…) – và khuôn mặt Ivan khi cái đầu của cậu rơi xuống đất (với cái nhìn bàng hoàng, căm phẫn như thể đã thấu hiểu cái “thế giới” đã bị chiến tranh nhuộm đen đó).
Về ánh sáng, nhà làm phim có dụng công rõ rệt khi áp dụng hai “phong cách” chiếu sáng đối lập nhau: những cảnh chiến tranh và hiện thực bao giờ cũng là những cảnh “thiếu sáng” (quay trong hầm, trong bóng đêm) tạo cảm giác nặng nề, hồi hộp, âu lo: ánh sáng thường chỉ rọi đến một phần khuôn mặt và thân thể, làm đổ những chiếc bóng to lớn hơn xuống nền nhà, hoặc bóng đêm có lúc còn nuốt chửng nhân vật (chẳng hạn, cảnh Ivan lần cuối cùng từ biệt Kholin trong rừng cây, khuôn mặt cậu bé gần như lẫn vào bóng tối, trong khi khuôn mặt xúc động của Kholin lại được chiếu sáng mờ). Ngược lại, trong các đoạn hồi ức của Ivan, ánh sáng bao giờ cũng rạng rỡ, chan hòa, đầy tràn trong không gian và trên khuôn mặt nhân vật, tạo cảm giác tươi mới, đẹp đẽ, tinh khôi…
Trong phim, tiếng động và âm nhạc thường được Tarkovsky sử dụng như một yếu tố nằm trong ranh giới truyện kể, góp phần kiến tạo không gian câu chuyện. Có rất nhiều trường đoạn tác giả hầu như chỉ sử dụng tiếng động: tiếng chim hót thánh thót, tiếng nước nhỏ giọt xuống chậu nước đặt trong hầm, tiếng lửa cháy phần phật ở cột gỗ sau trận bom và tiếng củi cháy tí tách trong lò sưởi. Những tiếng động đó hầu như đều có tác động trực diện và mạnh mẽ đến diễn biến tâm lý của nhân vật chính (làm cho Ivan hồi nhớ lại quá khứ, hoặc khiến cậu trở nên bé nhỏ, cô đơn hơn). Trong một số cảnh phim (chẳng hạn, cảnh những người lính chuẩn bị đi làm một nhiệm vụ nào đó), tác giả để cho nhân vật tự bật đĩa nhạc và bản nhạc yêu thích, âm nhạc lúc này cũng tham dự trực tiếp vào hành trình tâm trạng của họ. Tiếng nhạc ấy tựa như một sự giải tỏa những dồn nén của người lính giữa không khí im lặng, nặng nề, tù túng trước giờ “lâm trận”.
*
*              *
Không có hình ảnh một người anh hùng cao cả, nhất quán về tư tưởng và hành động; cũng không có một cái kết tốt đẹp cho nhân vật chính, bộ phim được làm hoàn toàn khác cấu trúc cổ điển của Hollywood. Câu chuyện là sự hòa trộn giữa chất thơ và hiện thực trần trụi, nghiệt ngã. Thế giới quanh Ivan rách nát, hoang tàn, rối ren như chính cấu trúc kịch bản vậy. Bộ phim có sự hòa trộn của nhiều “tông giọng”, nhiều sắc độ cảm xúc thẩm mỹ tương phản nhau: dịu dàng và dữ dội, khắc nghiệt và nên thơ, êm đềm và khốc liệt, hạnh phúc và đau khổ… Nó làm dịu đi hiện thực chiến tranh vốn chỉ là chết chóc, đau thương, mất mát; nhưng nó cũng phá bỏ đi cái giọng “hùng ca” một tông của nhiều bộ phim chiến tranh trước đó. Nó khiến cho bức chân dung tâm hồn con người trong chiến tranh không còn nhất phiến và vẹn nguyên được nữa./.

Hoàng Cẩm Giang
(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Thế giới Điện ảnh, số 6.2011, tr.18-20




No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...