Trước khoảng thời gian mà bộ phim Bicycle Thieves (Kẻ
cắp xe đạp) ra đời, người Ý chưa
biết đến một cách làm phim nào khác ngoài mô hình quen thuộc: cấu trúc ba hồi
của Hollywood + trường quay tráng lệ của nước Ý. Dẫu các nhà làm phim Ý có thay
đổi bối cảnh từ thời La Mã cổ đại huy hoàng, đến nước Ý tư bản hùng mạnh, từ những
lâu đài cổ nguy nga đến những toà nhà hiện đại chọc trời… mà vẫn giữa nguyên
cách tư duy cũng như phương thức tiếp cận hiện thực của điện ảnh cổ điển thì họ
vẫn sẽ chỉ làm ra những bộ phim cổ điển nguyên vẹn. Phải đến những năm hậu Thế
chiến thứ hai, thế giới mới biết đến điện ảnh Ý theo nghĩa một nền nghệ thuật
độc lập, có đóng góp quan trọng cho công nghiệp điện ảnh toàn cầu. Chủ nghĩa
Tân hiện thực (newrealism)
ra đời, với các kiệt tác Rome Open City (1945, Rossellini), Germany Year Zero (1947, Rossellini), La Terra Trema (1947, Visconti ), Bicycle Thieves (1948, De Sica), Umberto D.(De Sica, 1952)…
đúng như cái tên của nó, đã tạo
lập nên một “hiện thực mới” trong điện ảnh - một thứ hiện thực kêu gọi sự luận giải
chứ không phải sự chấp nhận, và do đó, mang đến nhiều tham vọng cật vấn chứ
không phải một hài lòng dễ dãi…
Dường như cứ sau một cuộc
đại chiến thế giới, chúng ta lại có một (và một số) trào lưu điện ảnh mới, độc
đáo, nhiều thành tựu ra đời: Kết thúc Thế chiến I thế giới biết đến tên tuổi
của các nhà làm phim Biểu hiện chủ nghĩa Đức; sau Thế chiến II những bộ phim
Tân hiện thực Ý nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong những
“những trang vàng điện ảnh nhân loại”. Dường như có một sự trùng hợp ngẫu nhiên
giữa những bi kịch vĩ đại của lịch sử và những bước tiến của nghệ thuật nói
chung và điện ảnh nói riêng. Phải chăng những biến cố và đổ vỡ của cấu trúc thế
giới lại góp phần thúc đẩy con người tái tạo lại cấu trúc tư duy nghệ thuật của
mình? Và phải chăng, đó cũng là một cách “tự cứu rỗi” bằng cái đẹp và nghệ
thuật của con người trước những tai biến khôn lường mà lịch sử mang đến?
Sau chiến tranh, điện ảnh Ý đứng trước
những khó khăn chồng chất: điều kiện tài chính eo hẹp, các trường quay bị tàn
phá hầu hết bởi bom đạn, các phương tiện kĩ thuật trở nên thiếu thốn hơn bao
giờ hết… Các nhà làm phim trẻ, đứng trước thực tế này và một thực tế khác –
khán giả vẫn cần xem phim cũng như nước Ý vẫn cần một nền điện ảnh cho dù không
có nhiều kinh phí dành cho nó, đã hướng các cảnh quay ra đường phố và kết hợp
sử dụng nhiều diễn viên không chuyên. Cuối cùng, chính giải pháp “tránh tốn
kém” này lại góp phần không nhỏ trong việc thay đổi phong cách và sắc điệu thẩm
mỹ của những bộ phim được gọi là “Tân hiện thực” so với các bộ phim được làm
trong điều kiện đầy đủ (nếu không nói là xa hoa) trước đó của nước Ý. Lần đầu
tiên, người xem có được cảm giác thật sự về một thứ điện ảnh không phải như
một “nghệ thuật sắp đặt” kĩ lưỡng, một bản “tổng phổ” đầy đặn và hoàn hảo nữa.
Người Ý đã biến một điều kiện bất lợi thành một cánh cửa tự do cho nguồn gió sáng
tạo ùa vào.
Quả thực, rất nhiều “kiệt
tác” của điện ảnh Tân hiện thực chỉ giống như những đoạn phim tư liệu được quay
miên man trên các đường phố của châu Âu:
Rome
Open City, Bicycle Thieves, Germany
Year Zero… Trong Bicycle Thieves, cảm xúc
của nhà làm phim bị tiết chế tối đa, như thể toàn bộ công việc của anh ta chỉ
là lia máy quay qua từng góc nhỏ của thành Rome: từng khúc ngoặt sáng và tối,
từng tòa tháp nguy nga và khu phố lao động tồi tàn, từng nhà thờ trang nghiêm
và khu chợ xe đạp ồn ã… Trên nền của dòng người màu tro xám cùng màu với trời đất,
và cơn mưa trắng xóa bất chợt làm gia tăng thêm dư vị của những nỗi niềm, cuộc
mưu sinh chật vật trong lòng xã hội Ý sau chiến tranh được phơi bày trần trụi
đến ngạt thở. Chính phương thức làm phim
mang màu sắc “tư liệu” đó đã tạo cho phim Tân hiện thực Ý một phong cách
đầy linh hoạt, ngẫu hứng và ít phơi lộ bàn tay sắp xếp của đạo diễn. Nhưng đó cũng chính là một
thách thức lớn với nhà làm phim: bởi một lối dàn dựng ngẫu hứng và còn “thô
ráp”, “chưa được gọt rũa” này lại đòi hỏi phải trở thành chất liệu của một đối
tượng thẩm mỹ tương ứng: những vấn đề xã hội – nhân sinh gay gắt, nóng bỏng,
chưa được phân định và xác quyết một cách tường minh. Hay đúng hơn, bản thân
chất liệu của phim Tân hiện thực phải được xem như một tiếng nói riêng, một cách triết lý riêng về cuộc sống.
Từ xuất phát điểm đó, kịch
bản phim Tân hiện thực trở thành sự khước
từ quyết liệt tính thông suốt và sự thống nhất của tổng thể hiện thực.
Chúng ta không thấy ở đây mô hình quen thuộc: “khủng hoảng nảy sinh – cao trào
– sự giải quyết khủng hoảng” mà các nhà làm phim cổ điển vẫn ưa chuộng. Các nhà
Tân hiện thực Ý tránh theo đuổi cái mà ta gọi là “toàn cảnh đời sống”; họ đề
xuất việc tri giác hiện thực qua những lát cắt, những góc khuất, những mảnh vỡ
của nó… bởi theo họ đó mới chính là chân dung thật sự của hiện thực. Khác hẳn loại
phim “telephone trắng” (phim cổ điển thời Musolini) với cốt truyện chặt chẽ hấp
dẫn kiểu Holywood, phim Tân hiện
thực lại có xu hướng nới lỏng mối liên kết mang tính nhân quả trong tự
sự. Họ thường làm “phẳng” tất cả các sự kiện, giảm thấp các cao trào và hướng
đến những kết thúc mở, những “open
end”. Tiến trình cụ thể của câu chuyện trở thành một chuỗi đụng độ và tan biến
của những ngẫu nhiên.
Trong Germany Year
Zero, cậu
bé Edmund, tượng trưng cho sự rối loạn tinh thần của nước Đức bại trận,
đã rời bỏ gia đình và lang thang trên các đường phố Berlin . Tất cả những biến cố cậu đã trải qua,
tất cả những con người cậu đã gặp gỡ, hiện lên như một chuỗi sự việc tình cờ.
Và, tất cả, dù chỉ thoáng qua hay để
lại dư chấn mạnh mẽ, cũng không ngăn nổi Edmund đi đến kết cục cuối cùng: lao mình
xuống từ một nóc nhà hoang và bỏ lại sau lưng cả thế giới đang đổ nát. Phim Bicycle
Thieves chỉ gói gọn trong mấy sự kiện chính: Ricci bị đánh cắp
mất chiếc xe đạp – tài sản quí giá nhất của gia đình và sau những ngày tìm kiếm
vô vọng, anh lại biến mình thành “kẻ cắp xe đạp” ngay trước đôi mắt ngơ ngác
của cậu con trai... Nhân vật chính xuất hiện
lần đầu trên đường phố trong dòng người ra đi tìm kế mưu sinh; và trong cảnh
kết thúc, anh ta lại lê bước trở về giữa dòng người bất tận đó. Sau một loạt vùng
vẫy, anh ta bị ném trả về chỗ đứng ban đầu của mình, nhưng không phải với một
tâm hồn “vẹn nguyên” mà đã tan nát vì đau đớn và tủi hổ. Con người trở nên cô đơn
và bất lực tột cùng giữa những khát vọng nhỏ nhoi của chính mình và những ngẫu
lực của đời sống. Lang thang đến tuyệt vọng qua các không gian để tìm lại ảo
ảnh về hạnh phúc vừa đánh mất, rút cục anh ta lại đánh mất ý nghĩa hiện thực của
cuộc tìm kiếm cũng như của mọi nguồn hy vọng, và do đó, đánh mất sự xâu chuỗi
bền vững của chính cuộc đời mình.
Các nhà làm phim Tân hiện
thực còn gây ấn tượng mạnh cho người xem bằng lối “từ biệt mà không nói từ biệt”
của họ. Bicycle
Thieves kết
thúc trong cảnh hai cha con Ricci trở về trong im lặng và nước mắt – không
có gì hé lộ rằng ngày mai họ sẽ đi về đâu… Cuộc nổi dậy của dân chài Sicily chống bọn
thương nhân bóc lột trong La
Terra Trema, những ngày tháng tiếp theo của thành phố Berlin hoang tàn
và trống rống ở Germany Year Zero, hay
số phận của người cộng sản Fransesco giữa một Open
city rối bời và ngột ngạt … tất cả đều đang còn là ẩn số. “Kết thúc mở”
không phải là một cách lạ hoá hiện thực. Thực ra, đó chính là nỗ lực tái tạo
chính xác hơn hiện thực - một thứ hiện thực luôn luôn bất toàn, luôn luôn dang
dở và luôn luôn chuyển động như những gì diễn ra nơi thực tế. Lối kết thúc ấy
cũng mở rộng hơn “tầm đón đợi” của khán giả bằng một lối đi vào thế giới tự sự vốn
vẫn được Holywood hình dung như một cái gì đã “xong xuôi” và “hoàn tất”: Với
các phim Tân hiện thực, mỗi khán giả sẽ và phải tự đi tiếp theo cách của riêng
mình cái lối đi mà nhà làm phim còn để ngỏ. Nếu như phim cổ điển Hollywood là
một sự thoả mãn những cung bậc cảm xúc
của người xem bằng một cái kết viên mãn, khép kín; thì phim Tân hiện thực Ý lại
là sự mời gọi suy tư và thách thức người xem đi đến kiệt cùng những dở dang
của logic, những đứt gãy của tự sự.
Với
những cảnh quay pha trộn, lẫn lộn, đôi khi đồng nhất: đường phố và nhà thờ, cha
xứ và kẻ cắp, nạn nhân và thủ phạm…, các nhà làm phim Tân hiện thực Ý cũng đồng
thời pha trộn nhiều sắc thái thẩm mỹ,
nhiều giọng điệu thẩm mỹ khác nhau thậm chí đối lập nhau trong cùng một
chỉnh thể tự sự: khôi hài và xót xa, trách giận và thương cảm, ngỡ ngàng và
thấm thía... Thay vì ôm trọn thế giới sự
kiện, chủ nghĩa Tân hiện thực lại hướng
đến việc tái hiện cả vũ trụ cảm xúc với vô vàn cung bậc của nó. Có lẽ ví
dụ nổi tiếng nhất của sự hoà trộn đặc biệt này là trường đoạn “cái chết của
Pina” trong phim Open city. Pina
được dựng lên như một nhân vật chính của bộ phim, rồi đột ngột bị bắn ngã sau
ba cảnh đầu. Bộ phim đi từ hài hước, chuyển đến nghiêm trang, rồi giễu cợt và
cuối cùng lật sang phía của bi thảm, xót thương… Ở
đó, nụ cười và nước mắt, hy vọng và thất vọng, ánh sáng và bóng tối, ghìm nén
và bùng nổ,… tất cả truy đuổi ráo riết lẫn nhau trong vòng quay khốc liệt của số
phận, của lịch sử.
Như vậy,
trong các phim Tân hiện thực, vấn đề chủ yếu không chỉ là việc “phơi trần hiện
thực nghèo đói và đau khổ của người dân Ý sau chiến tranh”, “chống lại sự tô
hồng và ảo tưởng của các nhà cầm quyền đương thời về tương lai nước Ý” (như một
số nhà nghiên cứu điện ảnh từng khẳng định). Quan trọng hơn, đó còn là một quan niệm, một triết lý mới về hiện thực
– như một cái gì luôn bất ổn, luôn biến
thiên và không thể nắm bắt trọn vẹn. Cái chúng ta nắm được không phải là
toàn bộ hiện thực mà chỉ là những phiến đoạn hay phần nổi của hiện thực mà
thôi. Để tái hiện rõ nét điều đó, nhà làm phim Tân hiện thực thường thiên về lối
quay cận cảnh (close-up) và trung cảnh (medium shot) hơn là toàn cảnh (establishing
shot). Dẫu là tái hiện những sự
kiện mang tính tập thể - cộng đồng, phim Tân hiện thực vẫn hướng máy quay lên
những khuôn mặt cá nhân, những xúc cảm và những rung động cá nhân hơn là những
đại cảnh đám đông được dàn dựng quy mô, rộng lớn. Máy quay thường đặt ngang tầm diễn viên hoặc
hướng từ dưới lên (góc quay thấp) mà ít
khi từ trên cao xuống; đồng thời, khuôn hình luôn chuyển động theo nhân vật, nhằm
tái hiện tâm trạng bất ổn và khó nắm bắt của anh ta. Đặc biệt, phim Tân hiện
thực không tuân thủ theo cách dàn dựng ánh sáng ba điểm (three-point lighting) quen thuộc của Holywood: Thay
vì bố trí quay phim sử dụng đèn chiếu từ ba hướng trong một cảnh (giúp tạo nên
sự hài hòa và cân bằng về phía chủ thể được chiếu sáng), các đạo diễn thường chỉ
nhấn mạnh một trong ba hướng đó nhằm gây ấn tượng mất cân đối hoặc tương phản
mạnh mẽ trong diện mạo và tâm lý nhân vật. Có thể nói, phim Tân hiện thực đã
diễn tả sâu sắc phạm trù “cái thiếu vắng”: thiếu vắng nguyên nhân của kết quả
hay hệ quả của nguyên nhân, thiếu vắng sự bình ổn trong đời sống tinh thần con
người… Và cho dù là góc khuất của cá
nhân hay của lịch sử, những “thiếu vắng mang tính thẩm mỹ” đó cũng cần và kêu
gọi được bù đắp bằng cảm nghiệm riêng, bằng sáng tạo riêng của mỗi một người
xem khác nhau.
Rõ
ràng, thành quả quan trọng nhất của một trào lưu như Tân hiện thực (hay Chủ
nghĩa biểu hiện, Làn sóng mới…) chính là một kiểu tư duy nghệ thuật mới, một
triết lý mới về điện ảnh… Ở đó, điện ảnh không dừng lại ở việc phản ánh hiện
thực như một môn nghệ thuật giữa các môn
nghệ thuật khác; hiện thực lúc này là hiện thực được và chỉ có thể chuyển tải bằng các chất liệu và phương thức chuyên
biệt của điện ảnh. Với cách dựng phim và dàn cảnh, cách lựa chọn và ứng xử
thật khác lạ với đạo cụ - bối cảnh và cả diễn viên, các bộ phim Tân hiện thực
không chỉ là những “cuốn phim tư liệu” mô tả trung thành một thời kỳ lịch sử
đầy bão tố của nước Ý. Ở đó, sâu xa hơn, chúng đặt ra cho người xem những vấn
đề mang tính bản thể của con người: sự sống và cái chết, nhân phẩm và sự sa
ngã, khát vọng vô cùng của con người và những hữu hạn của tồn tại… Phim
“newrealism” trở thành, không chỉ “món ăn lạ” một thời của nước Ý, mà còn là
“đặc phẩm” hấp dẫn khán giả nhiều thời trên toàn thế giới.
Dường như ở đây có một sự
tương đồng giữa điện ảnh Đức (thời kỳ Chủ nghĩa biểu hiện) và điện ảnh Ý thời
kỳ này: chính những trở ngại do ngoại cảnh mang đến cộng với tâm thế muốn “làm
mới điện ảnh” và vượt thoát khỏi truyền thống trước đây đã thúc đẩy các nhà làm
phim trẻ tìm ra một lối thoát cho nền điện ảnh dân tộc. Rồi từ một giải pháp
tưởng chỉ mang tính tình thế, họ đi tới thiết lập một phong cách riêng độc đáo
và xác lập một đỉnh cao trong tiến trình phát triển. Đó chính là một nghịch lý,
song cũng là con đường, một cách đi
của nghệ thuật nói chung và của điện ảnh nói riêng giữa vô vàn biến thiên của
lịch sử ./.
Phim Bicycle Thieves:
Ricci và con trai đi tìm xe đạp trong cơn mưa tầm tã
|
Nhân vật Ricci cùng trú mưa với một nhóm tu sĩ. Khuôn mặt khắc khổ
của anh ta nổi bật lên giữa những khuôn mặt bình thản giống nhau của các nhà tu
hành. (Bicycle Thieves)
|
Lối
quay trung cảnh trong Bicycle Thieves: khuôn mặt vừa ngơ ngác ngây
thơ vừa già dặn khắc khổ của cậu bé giữa không gian tấp nập của đường phố
|
Ricci
trở về trong dòng người đang bước vào đêm tối sau một ngày tìm kiếm vô vọng (Bicycle
Thieves)
|
Lối
quay cận cảnh thể hiện hai tâm trạng đối lập trên cùng một nhân vật, cùng một
khuôn hình trong Bicycle Thieves
|
“Thành
phố mở” và cuộc phiêu lưu của những thân phận bé nhỏ (Phim Open city)
|
Cuộc
“xưng tội” bất ngờ của Pina với cha xứ trên đường phố, dự báo những điều không
hay sắp xảy ra với cô (Open city)
|
Trường đoạn nổi tiếng: “cái chết của
Pina”
– nhân vật chạy đuổi theo xe chở chồng cô đi và bất ngờ bị bắn ngã (Open
city)
|
Ánh
mắt hoang vắng, cô độc của nhân vật chính trong phim Umberto D.
|
Máy quay hắt ngược lên nhằm thể hiện sự tuyệt vọng
đến bất động của nhân vật (La Terra Trema)
|
Cảnh
quay nổi tiếng trong phim Germany Year Zero: cậu bé Edmund nhỏ nhoi và lạc lõng giữa khung
cảnh đổ nát của thành phố
|
Những
hành động gây ấn tượng mạnh của Edmund trong phim Germany Year Zero, thể hiện sự
chối từ quyết liệt thực tại của nhân vật
|
Hoàng Cẩm Giang
(*): Bài viết đã đăng trong Tạp chí Tia sáng, số 16.2007, tr.12-15.
No comments:
Post a Comment