Tuesday, 24 December 2013

8 ½ của Fellini - một “phản ngụ ngôn” về giới hạn của con người *








                                                                                                            Về khả năng tiếp cận một tác phẩm điện ảnh, Federico Fellini[1] nói “Tôi không thích quan điểm “hiểu” một bộ phim. Tôi không tin rằng sự hiểu biết dựa trên lý trí là yếu tố cơ bản trong việc lĩnh hội bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào.” Quan điểm này, thoạt tiên có thể gây cảm giác cực đoan, nhưng với bộ phim 8 ½, cụ thể là qua cuộc phiêu lưu mà nhân vật đạo diễn Guido đã trải qua, chúng ta hiểu vì sao Fellini lại đề cao trực giác và cảm tính trong quá trình sáng tạo cũng như tiếp nhận tác phẩm điện ảnh đến thế. Né tránh việc “đưa ra một thông điệp mang tính lý trí”, 8 ½ là một phản - ngụ ngôn về cái gọi là “giới hạn của con người”. Trong khi bị bế tắc, bị giới hạn, con người trong thế giới Fellini vẫn không ngừng tỏa ra sức hút và vẻ đẹp huyền bí vô tận; bởi con người ấy luôn đòi hỏi được cảm nhận trước khi được hiểu.

… Từ những giấc mơ cần được giải mã

Điểm nổi bật đầu tiên, về mặt tự sự, 8 ½ tràn ngập những tưởng tượng, hồi ức và mộng mị. Đó là một kiểu kể chuyện “phản cấu trúc” rõ rệt: nó chống lại một cách quyết liệt cái công thức chặt chẽ “ba hồi – nhân quả”, hay “động lực nhân vật thúc đẩy kịch tính” của Hollywood. Thử giải mã những giấc mơ, những tưởng tượng, hồi tưởng trong 8 ½ , chúng ta có thể phần nào hiểu được quá trình tâm lý sáng tạo phức tạp của một nghệ sỹ – thông qua ngôn ngữ điện ảnh trí tuệ, độc đáo và đậm đà tính “phản thân” của Fellini.

Trong 8 ½, có đến bốn thế giới khác nhau cùng tồn tại: thế giới thực tại, thế giới hồi ức, thế giới tưởng tượng, thế giới giấc mơ. Điều đáng nói là, bằng các cú cắt dựng đột ngột từ trạng thái nọ sang trạng thái kia của nhân vật Fellini đã trộn lẫn đến mức xóa nhòa ranh giới giữa các thế giới ấy (chẳng hạn, Guido đang nằm với người tình thì chợt thấy mẹ, thấy bố, rồi đột ngột bố bỏ đi, anh cúi hôn mẹ thì lại thành hôn vợ). Nói cách khác, 8 ½ mở những cánh cửa khai thông các thế giới ấy với nhau, khiến cho bản thân bộ phim trở thành một sự “giải cấu trúc”, “giải hệ thống” trong chính nó. Toàn bộ 8 ½ là những góc xạ khác nhau của một chủ thể tâm lý phức tạp – đạo diễn Guido – từ cõi Ý thức tỉnh táo, sáng rõ (với những sự kiện và gặp gỡ có thực của anh với những người thân quen), đến cõi Tiềm thức mịt mờ xa xôi (với vô vàn kỉ niệm thời thơ ấu), và chạm vào cả cõi Vô thức hư ảo huyền bí (với những tưởng tượng bất ngờ nảy sinh ngay trong dòng chảy thực tại). Fellini đã dùng chính các công cụ và ngôn ngữ điện ảnh để khảm ghép các mảnh rời tâm lý đó lại với nhau, tạo thành một bức tranh lập thể về con người hiện đại.

Điều đó khiến người xem đôi khi bị “lạc lối” trong một mê cung của các lớp hình ảnh xô dạt, nối tiếp nhau chẳng tuân theo bất cứ logic lý tính nào. Tuy nhiên, ẩn đằng sau mỗi giấc mơ, chúng ta luôn tìm thấy một hạt nhân của hiện thực, chính xác hơn là sợi “dây diều” nối tiềm thức của nhân vật với đời sống thực tại của chính nó.

Tinh thần của 8 ½ có nhiều nét rất gần gũi với những suy tư của Freud và Jung về giấc mơ, đặc biệt là Jung, khi Jung viết: “Chức vụ đại quát của mộng mi là tìm cách lập lại cân bằng tâm lý nhờ những giấc mơ” [2]. Trong chuỗi hình ảnh có vẻ “phi hiện thực”, “phi logic” của bộ phim, người ta có thể tìm thấy những mạch ngầm kín đáo xâu chuỗi “dòng ý thức” của nhân vật chính – trong quá trình anh ta lang thang từ bờ vực này sang bờ vực kia của mơ mộng và hoài niệm. Liệu có phải chính nguyên cớ “tìm cách lập lại cân bằng tâm lý” cho một thực tại đầy hụt hẫng, chênh vênh đã thúc đẩy Guido tìm đến cái “thế giới thứ hai” đó?

Thứ nhất, với tư cách là một người bình thường trong đời sống tình cảm riêng tư, Guido có một người vợ, một người tình và rất nhiều cô gái đẹp vây quanh, nhưng vẫn không nguôi hồi nhớ về người đàn bà điên trên bờ biển trong tuổi thơ của mình và không ngừng tưởng tượng ra Claudia – cô gái có vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện mà anh chỉ có thể ngắm nhìn, chạm nhẹ chứ không thể sở hữu. Hai người phụ nữ đó không có mặt trong cuộc sống hiện tại của Guido, và đời sống tình cảm của anh dường như vẫn luôn có khoảng trống mà họ bỏ lại. Không thể có họ, anh dùng giấc mơ, hồi ức, tưởng tượng để đưa họ về bên anh. Và đến cùng, với anh, họ vẫn chỉ là những ảo ảnh day dứt và đẹp đẽ. Giấc mơ “đại lễ Noen của những người phụ nữ trong cuộc đời Guido” là một trường đoạn tuyệt vời hấp dẫn về trí tưởng tượng, về sự dí dỏm hài hước. Người đàn ông đa cảm, hào hoa, giàu cảm xúc Guido luôn gặp rắc rối vì không thể thỏa mãn và chiều lòng tất cả những phụ nữ anh có và anh gặp trong cuộc sống, chính vì thế đã phải giải tỏa bằng “giấc mơ lớn” này – giấc mơ vĩ đại nhất mà một người đàn ông có thể tưởng tượng ra: ngay cùng lúc tất cả những người phụ nữ ấy đến với anh, sống hòa bình bên nhau để cùng chăm sóc anh… Nhưng nó cũng đồng thời thể hiện nỗi cô độc thường trực luôn cần được lấp đầy trong đời sống tình cảm của Guido. Sau tất cả các cuộc phiêu lưu tình ái, Guido vẫn cô đơn với tư cách là một người tình.

Thứ hai, trong tư cách của một người nghệ sĩ nổi danh, Guido có khát vọng mãnh liệt được làm một bộ phim theo cách của riêng mình, một bộ phim “chân thật để giúp con người chôn sâu những điều đã chết bên trong chúng ta”. Nhưng, những hào quang danh vọng, những cuộc phiêu lưu tình ái, những diễn viên xinh đẹp, những bạn bè hâm mộ, những nhà báo, ngay cả những người phê bình gắn bó nhất…, - tất cả đều không giúp được gì cho anh. Các phóng viên “hiểu” anh đến mức, dành cho đạo diễn Guido những câu hỏi ngớ ngẩn đại loại như: “Anh ủng hộ hay phản đối việc ly dị?”, “Anh có sợ bom nguyên tử không?”. Daumier (nhà phê bình thân thiết nhất của Guido) thì nói với anh rằng: “Sự ngây thơ của anh là không thể phủ nhận”.

Còn bản thân lý trí của Guido ứng xử ra sao với khát vọng của anh? Cả 8 ½  không có bất cứ chi tiết hay lời thoại nào hé mở cho chúng ta biết nội dung cụ thể của bộ phim mà Guido định làm. Bản thân điều đó cũng nói lên sự mơ hồ trong chính Guido về cái đích anh ta đang hướng đến: Anh ta định làm phim về ai, như thế nào và bao giờ - tất cả đều rất mờ mịt. Thế giới ồn ào, phù phiếm, rộng lớn xung quanh Guido làm anh bị cuốn vào đó, tâm tư và ý chí của anh bị uốn nắn, bị “làm nhiễu”, bị khuấy đảo, bị “lệch tâm”, và dần tự đánh mất mục đích cuối cùng mà mình đã đặt ra. Cảnh mở đầu phim giống như một thứ “overture” (khúc dạo đầu) nhưng cũng đóng vai trò làm một “tonique” (chủ âm) xuyên suốt bộ phim: Guido bị nhốt trong xe, sau đó bay lên bầu trời, bị nối với mặt đất bằng một chiếc dây, và lao xuống biển. Sự mở đầu đầy ấn tượng của Fellini thể hiện một bối cảnh hiện thực bức bách, chật chội, đầy bế tắc và khao khát của nhân vật chính (muốn hướng thượng, muốn vượt lên khoảng trời bát ngát tự do của sáng tạo) nhưng rút cuộc vẫn bị trói chân vào thực tại. Tất cả làm cho anh ngày càng bị đẩy ra xa khỏi “tác phẩm trong mơ” của mình. Để rồi cuối cùng, trong cuộc gặp lần cuối với Claudia, Guido tuyệt vọng thốt lên: “sẽ không có bộ phim nào hết, không có cái gì hết”. Guido giống với phần đông những nghệ sỹ trong cuộc đời này: luôn muốn vươn đến một thứ nghệ thuật tuyệt đích cao cả, thiêng liêng (giống như hình ảnh hư ảo và thánh thiện của Claudia), nhưng rút cục nhận ra rằng không thể nào vượt ra khỏi dù một milimet cái cuộc đời trần tục mà mình đang sống – mà cụ thể nhất là cái con người hiện hữu bằng xương bằng thịt, nơi giam hãm trí óc và cất giữ tâm hồn mình.

… Đến bản tổng phổ của ảo ảnh và hiện thực…

Thế giới trong 8 ½ tự phân đôi rõ rệt: bên này náo động, ồn ã, với những đại cảnh đông đúc hoành tráng quanh một “người của công chúng” – bên kia thầm thì, day dứt với những hồi ức riêng tư của một con người bình thường; bên này là tuổi thơ, cha mẹ, là những người phụ nữ trong cuộc đời, là những gì đã đi qua không thể nào trở lại - bên kia là báo giới truyền thông, đối tác bạn bè, hội hè đình đám, là bộ phim còn chưa được đóng, là những phiền muộn đang không ngừng quấy rầy thực tại…
           
Tuy nhiên, xét về đại thể, chiếm vị trí chủ đạo trong 8 ½ là những bối cảnh rộng lớn, ồn ào, đông đúc và liên tục thay đổi (trong đó có nhiều bối cảnh mang tính công cộng, như: quảng trường, trường quay, sảnh đường nhà thờ, hành lang khách sạn). Để tái hiện các cảnh toàn đông người này, Fellini thường sử dụng ống kính góc rộng, ánh sáng hoặc tràn trề tự nhiên hoặc tương phản mạnh mẽ, cùng góc máy cực đoan (rất cao hoặc rất thấp) để tái hiện một không gian dàn trải mênh mông; nhưng lại rất rõ góc nhìn của cá thể … Fellini cũng là một bậc thầy của những trang phục cầu kỳ, sặc sỡ và độc đáo – gây ấn tượng mãnh liệt về thế giới phù hoa của con người hiện đại. Không chỉ trong 8 ½ mà còn trong nhiều phim khác của ông (La Dolce Vita, Rome…), con người vừa hòa mình vào dòng chảy sôi động của đời sống cộng đồng và khoác lên nó những sắc màu rực rỡ cũng như trôi theo những vận động nhịp nhàng của đám đông, lại vừa cô độc và xa cách với hết thảy đồng loại quanh mình (bởi tâm tưởng của họ thường xuyên lưu lạc ra ngoài thực tại).

Với phong cách dàn dựng và quay phim này, câu chuyện của Fellini thực sự hướng đến việc huyền thoại hóa đời sống và giá trị cá nhân, và ngược chiều với nó là giải huyền thoại những bí ẩn thiêng liêng của cộng đồng, của tôn giáo, của số đông quần chúng vốn dĩ rất cảm tính và nông nổi.

…Và một “phản ngụ ngôn” kiểu Fellini

Vậy, bức họa lập thể đó nhằm tái hiện điều gì trong thế giới tinh thần của nhân vật chính? Mối liên quan giữa việc làm phim và những hồi tưởng, giấc mơ về mọi người xung quanh: cha mẹ, người tình, bản thân…? Đó chính là, tác động của đời sống tinh thần bên trong người nghệ sỹ với sản phẩm sáng tạo của anh ta – giữa chúng có một mối quan hệ ngầm ẩn nhưng mật thiết và phức tạp. Khó có thể và không thể tách rời nghệ sỹ khỏi bản thân đời sống và bản thể của anh ta, quá khứ, hiện tại, cá tính, nhân cách, ước mơ, khát vọng… của anh ta. Nghĩa là, chúng ta không thể tách bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào ra khỏi lịch sử của người nghệ  sỹ làm ra nó.

Ý tưởng thú vị về một bộ phim nói về sự trắc trở và khủng hoảng trong chính quá trình tạo ra bộ phim đó ăn khớp một cách kỳ lạ với cấu trúc “phi Hollywood”, “phi lý tính” của 8 ½ . Bộ phim không cố gắng đưa ra bất cứ lời giải đáp nào cho lộ trình đi đến thành công của một người đạo diễn. Nó chỉ dựng lên thế giới riêng tư của một nghệ sỹ. Ẩn đằng sau đó là đời sống tinh thần phức tạp, đa chiều, biến hóa khôn lường của một con người thời hiện đại – thời mà con người và những gì nó làm ra đều không thể yên ổn sống trong một hệ quy chiếu, một góc nhìn, một chiều kích đơn lẻ được nữa. 8 ½ rất gần gũi với những bức tranh lập thể của Picasso, với kịch phi lý của Samuel Beckett, với hình dung của Freud và Jung về những gì ẩn chứa bên trong một con người…

8 ½ là một bản tổng phổ của ảo ảnh và hiện thực; đồng thời cũng là một “phản – ngụ ngôn” về cái gọi là giới hạn của con người. Thoạt tiên, người xem nghĩ tác giả hướng đến mệnh đề: con người nên tự biết giới hạn của chính mình. Nhưng cuối cùng, người xem lại nhận ra một điều khác, chẳng phải là “bài học” gì cả, mà nó chỉ là: khi con người không thể đạt được điều mơ ước trong hiện tại, và đi đến những giới hạn của chính mình, con người lại tìm đến thế giới hư ảo của giấc mơ. Thế giới tiềm thức, vô thức sẽ mở rộng đến vô tận những đường biên hiện thực bao quanh con người.

Là một chuyến trở lại để chuẩn bị cho một sự ra đi, bộ phim kết thúc cũng là lúc chu trình lại bắt đầu, vòng quay trở lại (với hình ảnh mọi người nắm tay nhau chạy vòng tròn trong trường quay giữa giấc mơ kỳ lạ của tác giả ở cuối phim). Như vậy, nơi quá trình sáng tạo bắt đầu không phải là hiện thực mà chính là giấc mơ. Câu chuyện được giãn nới ra, không còn quá áp lực, căng thẳng: đó là một niềm lạc quan hư ảo sau những cảm giác bế tắc triền miên mà Fellini đã kín đáo đưa vào tác phẩm của mình. Bởi lẽ, chính hành trình sáng tạo đầy khủng hoảng, bế tắc của Guido lại giúp đạo diễn Fellini hoàn thành kiệt tác 8 ½ của mình.

*

*                       *

Với 8 ½ , với nỗ lực tái hiện cái không thể nắm bắt, nỗ lực kể cái không thể kể, Fellini đồng thời thể hiện một nỗ lực vượt thoát khỏi chủ nghĩa hiện thực. Thế giới nội tâm trong 8 ½ phong phú, phức tạp, ngồn ngộn màu sắc và ánh sáng kỳ lạ, hư ảo..  Fellini hướng chúng ta đến một thứ điện ảnh không phải tư duy bằng khái niệm, phạm trù, bằng lời bình luận, giải thích, bằng câu chuyện rõ ràng, mà bằng hình ảnh, bằng liên tưởng, tưởng tượng. Đó thực ra là một thứ điện ảnh đậm chất điện ảnh, bởi điện ảnh vốn là những giấc mơ của hình ảnh và bằng hình ảnh.


(*): Bài viết đã đăng trên Tạp chí Thế giới Điện ảnh, số 5.2011, tr.10-12











[1] Federico Fellini (1920 - 1993) là một đạo diễn và biên kịch nổi tiếng người Ý. Ông được coi là một trong những đạo diễn có ảnh hưởng nhất của điện ảnh thế giới thế kỉ 20. Bốn trong số các bộ phim của ông đã được trao Giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Năm 1993 đạo diễn cũng được trao Giải Oscar danh dự cho những đóng góp của ông cho nghệ thuật điện ảnh. Bộ phim đầu tiên do Fellini một mình thực hiện là Lo Sceicco Bianco (1952).  Sau giai đoạn thành công với những tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực mới (neorealism) từ năm 1950 đến năm 1959, Federico Fellini bắt đầu sáng tác dựa trên những lý thuyết phân tích tâm lý của Carl Jung, với chủ đề này ông đã cho ra đời một loạt tác phẩm nổi tiếng như (1963), Giulietta degli Spiriti (1965), Satyricon (1969), [Il Casanova di Federico Fellini]] (1976) và La città delle donne (1980). Các bộ phim của Federico Fellini được đánh giá rất cao, bốn trong số này đã đươc trao Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất, đó là La strada (1954), Le Notti di Cabiria (1957), (1963) và Amarcord (1973). Một tác phẩm lớn khác, bộ phim La dolce vita (1960) được coi là bộ phim có ảnh hưởng nhất của thập niên 1960 và được tạp chí Entertainment Weekly xếp thứ 6 trong danh sách các bộ phim vĩ đại nhất của mọi thời.

[2] Jung. Thăm dò tiềm thức. Vũ Đình Lưu dịch. Nxb Tri Thức. Tr.58

No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...