Trong thế kỉ XX, chúng ta đã được biết đến rất nhiều các công trình văn học sử Việt Nam với nhiều quan điểm và phương pháp khác nhau: Đó là Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm- 1943), Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Nhóm Lê Quý Đôn- 1957), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (Nhóm Văn-Sử-Địa- 1957), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam (Nhóm ĐH Sư phạm- 1963) , Văn học Việt Nam 1930-1945 (Nhóm ĐH Tổng hợp-1961), Lịch sử văn học Việt Nam (Nguyễn Khánh Toàn- 1974)… Song cho đến nay, trong đánh giá của giới nghiên cứu văn học nói chung, chưa có mô hình nào trong đó thực sự là lí tưởng; chưa có một phương pháp nào thực sự là tối ưu. Nhiều cuộc hội thảo về văn học sử (vào các năm 1984, 2001…) đã được tiến hành nhằm “xây dựng một bộ lịch sử văn học Việt Nam hoàn thiện, có chất lượng khoa học cao và có giá trị chuẩn mực”[15;1]. Để có được một bộ văn học sử như vậy, chúng ta không những phải tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới mà còn phải nhìn lại những kinh nghiệm đã tích luỹ được trong những bộ văn học sử Việt Nam trước đây.
Giai đoạn 1954-1975, trong hoàn cảnh hai miền chia cắt, văn học
miền Nam đã mang những đặc thù phong cách của văn học vùng miền. Ngành nghiên
cứu và biên khảo văn học miền Nam đương thời đã phần nào thể hiện được hoạt
động của địa phương lúc bấy giờ. Những công trình văn học sử của Phạm Thế Ngũ,
Thanh Lãng, Phạm Văn Diêu, Lê Văn Siêu, Đỗ Khánh Hoan, Nguyễn Hữu Lợi… mang đến
những cách nhìn nhận, lí giải và phương pháp tiến hành rất đa dạng và lí thú -
đặc biệt trong việc tiếp thu các thành tựu nghiên cứu lý luận phê bình phương
Tây. Đây là bộ phận văn học sử có nhiều điều mới mẻ và đáng quan tâm song hầu như
chưa được khai thác và tìm hiểu kĩ lưỡng.
Do vậy, ở
bài viết này, chúng tôi tập trung đi sâu tìm hiểu những dấu ấn của
phương pháp phê bình văn học phương Tây trong các công trình văn học sử nêu
trên, từ đó, đi đến một sự tổng kết, đánh giá khách quan những
thành tựu cũng như những bất cập trong phương pháp viết văn học sử của các tác
giả miền Nam trong tương quan so sánh với các tác giả miền Bắc viết theo quan
điểm mácxít và trên cơ sở tiếp thu những thành tựu lý luận phê bình của thế
giới. Hệ quả tất yếu sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá cho việc
xác định những phương pháp nghiên cứu hiệu quả nhất cho chuyên ngành văn học sử
nước ta trong thời điểm này. Trong phạm vi một bài viết, chúng tôi không khảo
sát trên diện rộng tất cả những công trình nghiên cứu ở miền Nam giai đoạn
1954-1975 mà chỉ tập trung vào hai bộ sách được coi là tiêu biểu nhất trên
nhiều phương diện- đó là Bảng lược đồ văn học Việt Nam của
Thanh Lãng và Việt Nam văn học sử giản ước tân
biên của Phạm Thế Ngũ.
Vài nét về quá trình nghiên cứu LSVH ở Việt Nam từ truyền thống
đến hiện đại
Theo nhà nghiên cứu Vũ Thanh, “văn học sử bắt đầu manh nha từ
trong những công trình biên soạn và các bộ sưu tập thơ văn trải qua hàng trăm
năm của cha ông ta”[14;1015]. Khảo sát việc tuyển chọn thơ văn, cách sắp xếp
phân loại các tác phẩm cùng nội dung các bài tựa, bài bạt, bài biểu dâng sách
lên nhà vua trong các tuyển tập, chúng ta có thể nhận thấy một phần nào quan
niệm của các tác giả trung đại về một số đối tượng văn học sử. Tuy nhiên, nhìn
chung lại, các công trình đó mới chỉ dừng ở mức bình phẩm văn học mà chưa đạt
tới trình độ nghiên cứu văn học; chỉ mới làm các tuyển tập văn học mà chưa có
những thử nghiệm về biên soạn LSVH, nhằm khái quát quá trình phát triển của văn
học Việt Nam. Nói tóm lại, việc nghiên cứu LSVH ở Việt Nam thời trung đại mới chỉ
dừng lại ở những dấu hiệu ban đầu chứ chưa được ý thức như một ngành khoa học
độc lập, có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng…
Văn học sử với tư cách một bộ môn khoa học thực sự chỉ bắt đầu
xuất hiện khoảng giữa thế kỉ XX trong quá trình tiếp xúc văn học và khoa học
nhân văn phương Tây mà gần gũi nhất là văn học và khoa học nhân văn Pháp.
Các trường học Việt Nam thời thuộc Pháp đã giới thiệu hầu như đủ các trường
phái PBVH của Pháp, từ trường phái phê bình của Sainte-Beuve, cho đến các
trường phái thực chứng… Đặc biệt, việc cuốn Lịch sử văn học Pháp (1894)
của Gustave Lanson (1857-1934) được sử dụng làm sách giáo khoa về văn học Pháp
trong các trường trung học ở Việt Nam trong suốt thời Pháp thuộc, đã khiến cho
phương pháp so sánh và lịch sử mà Lanson áp dụng vào công việc nghiên cứu tác
phẩm văn học có một ảnh hưởng nổi bật ở Việt Nam. Kế thừa được phần tích cực
của trường phái phê bình thực chứng ra đời trước đó mà Hippolyte Taine
(1826-1893) là đại biểu, Lanson nhấn mạnh việc tìm hiểu tiểu sử tác giả, khảo
sát các bản thảo, chú ý đối chiếu văn bản qua các lần tái bản, phải quan tâm
phân tích kĩ lưỡng bản thân tác phẩm... Phương pháp tiếp cận này thực sự đã tạo
ra một xu hướng mới có ý nghĩa khoa học trong công tác nghiên cứu văn học sử
nước nhà.
Bối cảnh văn học hai miền Nam-Bắc giai đoạn 1954-1975
Sau hiệp định Genève, đất nước chia đôi, văn học tồn tại hợp thức
dưới hai chính thể thuộc hai khối khác nhau. Văn học miền Bắc (và vùng giải
phóng miền Nam) quán xuyến mục tiêu xây dựng CNXH và đấu tranh chống Mĩ – nguỵ.
Văn học miền Nam (ban đầu chỉ là lực lượng tại chỗ về sau ngày càng đông đảo,
được bổ sung từ Hà Nội và các vùng kháng chiến hồi cư) không chủ trương định
hướng sáng tác, thả lỏng cho mọi sáng tạo tự do, vì thế nhiều khuynh hướng đối
lập cùng song song tồn tại: chống cộng và hoà giải, tâm lí chiến và phản chiến,
lại có cả văn chương đứng ngoài chính trị… Sự phân vùng không những làm cho
tính chất của văn học hiện đại Việt Nam nửa cuối thế kỉ XX không còn thuần nhất
mà ảnh hưởng của các trào lưu hiện đại quốc tế đến văn học dân tộc của mỗi vùng
cũng thật khác nhau : “Văn học miền Bắc tiếp thu kinh nghiệm của văn học Liên
Xô, Trung Quốc, ra sức xây dựng cái Ta cộng đồng, mở rộng cảm hứng sử thi, sáng
tạo những điển hình con người mới theo phương pháp hiện thực XHCN (…) văn học
miền Nam dưới chế độ Việt Nam cộng hoà…lại đào sâu vào hình ảnh con người tự do
cá nhân…đồng thời đã tiếp xúc với những trường phái mới mẻ nhất của văn học Tây
Âu như trường phái Tiểu thuyết mới, Phê bình mới, Hiện sinh chủ nghĩa…”[14;100]
Trong bối cảnh thực tiễn sáng tác đó, dĩ nhiên sẽ có những khác
biệt nhất định về mặt quan điểm và phương pháp nghiên cứu văn học giữa ngành
Văn học sử ở hai vùng văn học khác nhau: Văn học không thể tách rời khỏi sự tác
động của những điều kiện lịch sử-văn hoá- xã hội cụ thể, của lằn ranh ý thức hệ
đang tồn tại như một hiện hữu lịch sử. Đồng thời, do có bản chất là những công
trình khoa học, các công trình nêu trên sẽ mang những hằng số bất biến về tính
khách quan của các nhận định và các quan niệm văn học sử.
Những khác biệt về quan
niệm văn học sử
Nhìn chung, "khuynh hướng", "phương pháp luận"
chủ yếu, áp đảo trong các công trình nghiên cứu văn học nói chung và văn học sử
nói riêng ở miền Bắc: đó là xã hội học mác xít. Trên tạp chí
Nghiên cứu Văn- Sử- Địa (số 11/1955), Nguyễn Đổng Chi- tác giả cuốn Việt
Nam văn học sử (1942) viết :"Văn học sử là những thiên lịch
sử ghi những phong trào văn học phản ánh quá trình đấu tranh của con người (…)
Văn học sử là lịch sử của cả nhân loại hay của riêng một dân tộc về phương diện
văn học. Nó đòi hỏi người viết phải có một quan điểm duy vật lịch sử và đứng
trên lập trường giai cấp vô sản"[13;403]. Trong bài khái quát mở
đầu bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, các tác giả
nhận định: "Khi nghiên cứu, chúng tôi cố gắng theo lập trường mác xít (…)
chứng minh mối quan hệ giữa hình thái kinh tế, chính trị với hình thái văn học"[12;8]
Xã hội học mác xít được sử dụng từ những năm 1935-1936 (do Hải Triều và những
người bạn của ông trong cuộc tranh luận "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ
thuật vị nhân sinh") và từ năm 1954, ở miền Bắc, nó được áp dụng rộng rãi
như một phương pháp chính thống (và có lúc được coi là duy nhất đúng). Phải nói
rằng, phương pháp xã hội học đã mang lại một cơ sở khoa học, khách quan cho
việc nghiên cứu văn chương nói chung và quy luật vận động văn học sử nói riêng.
Sự xuất hiện của nó đã là một bổ sung rất cần thiết cho phương pháp bình văn
trung đại và kiểu phê bình ấn tượng chủ nghĩa. Tuy nhiên, nếu đẩy nó lên thành
tuyệt đối, nếu mải chạy theo cái xã hội được phản ánh trong tác phẩm, thậm chí
đánh đồng nó với thực tế ngoài đời, thì việc nghiên cứu văn học chỉ là
"cái cớ", là "tài liệu" để tìm hiểu xã hội, là sự chứng
minh cho những định đề sẵn có. Khuynh hướng cực đoan đó gọi là "xã hội học
dung tục" với những biểu hiện "tuyệt đối hoá quan điểm giai cấp, quy
thành phần giai cấp của nhà văn vào nội dung văn học hoặc ngược lại"[1;283].
Trong khi đó, Thanh Lãng, một tác giả miền Nam, với công trình Bảng
lược đồ văn học Việt Nam, lại đặt nền tảng cho toàn bộ lý thuyết văn
học sử của mình dựa trên quan niệm “văn học là một sinh hoạt, một cuộc sống” và
nó cũng “động đạt, thăng trầm hơn cả cuộc sống con người” [5:1:21]. Như vậy,
trong hệ thống phương pháp nghiên cứu của Thanh Lãng, yếu tố tiếp nhận
văn học đã được khẳng định ở một vị trí cực kỳ quan trọng. Thanh Lãng
đã không “nhìn” các đối tượng văn học ở một góc chết, không đặt chúng vào một
chỗ đứng nhất định nào đó mà thiên kiến chủ quan của nhà nghiên cứu muốn đặt
vào. Qua việc phân tích “thân phận”, “cuộc đời” của Truyện Kiều (một
tác phẩm), của Nho giáo (một dòng tư tưởng)... qua các thời đại, các thế hệ độc
giả với những quan điểm đánh giá khác nhau, Thanh Lãng thực sự đã chứng minh
được sức sống đa dạng và sự tái sinh không ngừng của các đối tượng văn học
trong thời gian. Đó chính là phương pháp tiếp cận vừa mang tính hệ thống, vừa
mang tính lịch sử - cụ thể và rất phù hợp để tái hiện lại những “cuộc đời,
những “tiến trình văn học”. Cụ thể hơn, đó là quá trình hình thành và tiếp nhận
qua các thời đại khác nhau (điều kiện xã hội, lịch sử ảnh hưởng đến tâm lý độc
giả và tác giả); sự liên hệ ảnh hưởng đồng đại và lịch đại giữa các hiện tượng
văn học; bản thân diễn tiến đời sống văn học như nó đã tồn tại; những khuynh
hướng chính, những nhân vật “dẫn đạo” của thế hệ văn học v.v... Qua đó, chúng
ta cũng có thể thấy được những phương pháp nổi bật mà Thanh Lãng sử dụng
là nghiên cứu so sánh (kể cả so sánh loại hình văn
học) trên mọi cấp độ, khảo sát một cách thực chứng các tác
giả, tác phẩm… dựa trên sự kê cứu tỉ mỉ và xác thực về mặt tài liệu, văn bản.
Giống như Thanh Lãng, trong Việt Nam văn học sử
giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ – một tác giả Nam Bộ khác, cũng
mang khát vọng “dựng lên một cái nhìn” tổng thể về “toàn bộ nền văn học nước
nhà”. Công trình khảo cứu của ông được Trần Hữu Tá đánh giá là “bề thế, nổi
trội hơn nhiều so với tất cả các công trình khác nghiên cứu lịch sử văn học dân
tộc đã được công bố trong các thành thị miền Nam” [6;9] trong
giai đoạn 1954 – 1975. Về công việc viết văn học sử, ông nhận định:
“Nghiên cứu văn học sử không dừng ở mức “thống kê, mô tả” hay sắp xếp các tác
giả tác phẩm, sự kiện văn học để phụng sự một chủ nghĩa chính trị nào đó mà
phải mang ý nghĩa “cống hiến những tài liệu về tư tưởng học thuật văn
học, hơn thế còn giúp người đọc thưởng thức mỹ văn” [658]. Về vấn
đề nguyên tắc, Phạm Thế Ngũ luôn nhấn mạnh đến thái độ công tâm và khách
quan trong việc đánh giá các hiện tượng văn học. ông muốn nhìn nhận văn học như
một đối tượng có tính độc lập tương đối với chính trị – xã hội và chú trọng
nhiều hơn đến cái đẹp, đến tính hình thức, đánh giá một giá trị văn học dựa
trên chính những đóng góp về mặt nghệ thuật của nó với tiến trình văn học,
trong giới hạn lịch sử mà nó ra đời. Thuộc thế hệ học giả Việt Nam chịu
ảnh hưởng sâu sắc vốn tri thức phương Tây đặc biệt là tri thức văn hóa Pháp,
Phạm Thế Ngũ luôn có ý thức về việc áp dụng phương pháp luận khoa học
phương Tây để nghiên cứu lịch sử văn học. Về vấn đề này, Phạm Thế Ngũ đã
nhiều lần khẳng định, trong những nhận xét về các nhà biên khảo khác hoặc phát
biểu trực tiếp của ông: “... ta cũng cần ghi nhận những hướng tiến bộ
do những nhà biên khảo có Tây học vạch ra (...) áp dụng phương
pháp mới vào việc nghiên cứu...” [6;209] hay: “.... ta thấy sự du nhập tăng gia
của tinh thần khoa học cũng như kiến thức học thuật Tây phương.
Thêm mười năm học ở nhà trường Pháp, đọc sách ở thư viện Pháp đã khiến chúng ta
tiến thêm nhiều về Pháp học. Phương pháp khoa học, óc lý luận tỏ rõ từ trong
việc tìm kiếm và sử dụng tài liệu đến cách trình bày lý luận cùng thiên chương”
[675]. Chính ý thức cao độ, tính khoa học và duy lý về phương pháp đó đã giúp
cho Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của ông rất
phong phú và khá toàn diện trong nội dung, song cũng thật khúc chiết, rành
mạch, chặt chẽ trong kết cấu: Các “thiên”, “chương”, “mục” được sắp xếp lớp
lang và rõ ràng. Phạm Thế Ngũ cũng thường xuyên áp dụng các phương pháp nghiên
cứu phương Tây như văn học so sánh, loại hình học, văn hóa học....
trong công trình của ông.
Trong cuốn Lịch sử văn học Anh (1969), tác
giả Đỗ Khánh Hoan không biết có mối liên hệ gì với Thanh Lãng, cũng lựa chọn
một lối viết theo kiểu “thế hệ văn học”. Tác giả cũng nhấn mạnh các yếu tố “địa
lý”, “nhân chủng”, “cơ cấu xã hội”, “tình hình văn hóa – lịch sử”... nhưng
không đặc biệt nghiêng lệch về yếu tố nào.
Bộc lộ quan niệm về Văn học sử một cách rõ rệt
hơn là Lê Văn Siêu trong Lịch sử văn học Việt Nam
từ thượng cổ đến hiện đại (1956). Mặc dù cũng thừa nhận: “Văn học
phản ánh trung thành cơ sở xã hội hiện tại cũng như của quá khứ. Nó phải có một
lịch sử tiến hóa của nó...” song tác giả cực lực phản đối việc chủ quan hóa
trong phê bình, tức là “cưỡng ép cho tác giả phải nói và nghĩ theo lối nghĩ và
nói của nhà phê bình". ông cho rằng để dung hòa được tính khách
quan của lịch sử văn học và sự đóng góp sáng tạo riêng của nhà văn học sử, là
nhà văn học sử đó cũng phải chỉ ra được “phần mà tác giả đã giúp ... vào sự
tiến hóa tinh thần của dân tộc” [7;11].
Trong Việt Nam văn học sử trích yếu (1969),
giáo sư Nghiêm Toản cũng nhấn mạnh: “Văn học sử là một khoa học,
vốn tự nó đã rất khó, thường đòi hỏi một học vấn uẩn súc, lại cần nhiều
khoa học phụ như: ngữ nguyên, từ ngữ, văn phạm, nhân chủng, xã hội,
lịch sử....” [10;3].
Cũng như Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ, Nghiêm Toản luôn đặt văn học
trong “phạm vi văn hóa gồm cả văn chương, học thuật, tư tưởng” và việc “khảo”
về chúng qua “các tài liệu” [3].
Tóm lại, các tác giả miền Nam thời kỳ này mặc dù vẫn thừa nhận,
vẫn kết hợp sử dụng phương pháp luận xã hội học, song họ không đặt nó trở thành
phương pháp luận chủ đạo, chính yếu, chi phối toàn bộ công trình văn học sử của
mình. Việc viết lịch sử văn học của họ, về mặt quan niệm là sự kết hợp của
nhiều phương pháp khác nhau nhưng chủ yếu là các phương pháp nghiên cứu khoa
học của phương Tây mà rõ nét nhất là của Pháp: họ đều nỗ lực viết lịch sử của
bản thân đời sống văn học trong mối ràng buộc phức tạp với hình thái xã hội –
tinh thần (hơn là kinh tế); mục đích lớn nhất của họ là “nghiên cứu các hiện
tượng văn học cụ thể nhằm giải thích quy luật của chúng, chứ không nhằm khen
chê”[17;711]. Phần lớn họ đều hấp thụ nguyên tắc chủ đạo của nhà viết văn học
sử Pháp G. Lanson, xem lịch sử văn học là một bộ phận của lịch sử văn
minh, một phần tuân thủ phương pháp thực chứng của Sainte – Bruve, phần nào
hấp thụ nguyên lý của H. Taine (nhưng chú trọng văn bản), phần nào theo
Brunetière, chú trọng sự tiến hóa của hình thức thể loại.
Vốn kiến văn sâu sắc nhất của họ-Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ – vẫn
là Pháp văn, do đó quan niệm về Văn học sử và Phương
pháp nghiên cứu văn học sử của họ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ
trường phái phê bình khác nhau của Pháp.
Phương pháp phân kỳ văn học
Nếu như ở phần văn học Trung đại, cách thức
phân kỳ ở các bộ văn học sử hai miền Nam Bắc là rất khác nhau, rất đa dạng
(tiến trình văn học được phân chia theo: thể loại, ngôn ngữ, triều đại, thế
kỷ...) thì bước sang thời kỳ văn học hiện đại, các bộ văn học sử này khá thống
nhất trong một cách thức chung (chia lịch sử văn học dân tộc thành nhiều giai
đoạn nhỏ với những mốc thời gian (năm) khác nhau; trong mỗi giai đoạn đó họ lại
tiếp tục chia nhỏ hơn nữa nếu thấy cần thiết). Như vậy, những khác biệt (nếu có)
giữa các bộ văn học sẽ chỉ tập trung vào vấn đề lựa chọn mốc thời gian và
nguyên tắc nghiên cứu.
Với các tác giả miền Bắc, đó là sự thống nhất trong việc chọn các
mốc 1858 (Pháp mở màn cuộc xâm lược Việt Nam); 1900 (Kết
thúc thế kỷ XIX); 1930 (Đảng cộng sản Việt Nam thành
lập); 1945 (Cách mạng tháng Tám thành công). Như vậy tần số
mốc thời gian lựa chọn theo sự kiện lịch sử chiếm ưu thế
hơn hẳn so với các sự kiện văn học.
Trong khi đó, với các tác giả Thanh
Lãng và Phạm Thế Ngũ, tình hình diễn biến một hướng khác. Các mốc phân
kỳ: 1862 (Pháp lấy ba tỉnh miền Đông Nam Bộ; Cao Bá Nhạ
viết Tự tình khúc- áng văn được coi là tác phẩm quan trọng
cuối cùng của văn Nôm lịch triều); 1907 (Đông Kinh Nghĩa thục
thành lập bắt đầu phong trào Duy tân; Nguyễn Văn Vĩnh về lập tờ báo quốc
ngữ Đăng cổ tùng báo, lập nhà in và hội dịch sách đầu tiên ở
Việt Nam ; Tú Xương, Đào Tấn, Paulus Của từ trần; Toàn quyền Bean lập Hội đồng
cải cách giáo dục để đưa tân học vào nhà trường); 1913 (Phan
Bội Châu bị bắt ở Quảng Đông; Nguyễn Văn Vĩnh lập tờ Đông Dương tạp
chí, dịch bài Con ve được coi là mầm mống
của thơ Mới) ; 1932 (Bảo Đại hồi loan và hô hào “cải cách học
chánh”; Tự lực văn đoàn được thành lập, phong trào thơ Mới nảy sinh, Tản Đà cho
in Khối tình con tập 3 kết thúc sự nghiệp thi ca của
mình)... hầu như đều là những mốc mang ý nghĩa kép: Đó là năm vừa có sự
kiện lịch sử, văn hoá, xã hội nổi bật, vừa có sự kiện văn học quan trọng đánh
dấu điểm khởi đầu hoặc kết thúc của một khuynh hướng, một trào lưu hay một hiện
tượng văn hoá. Và phần lớn chúng được lựa chọn và ý nghĩa văn học sử
nhiều hơn là ý nghĩa lịch sử xã hội.
Về tiêu chí phân kỳ, Phạm Thế Ngũ chủ yếu sử dụng các tiêu chí hình thức: ngôn
ngữ và thể loại. Ông muốn nhìn nhận văn học sử phải độc
lập với chính trị, nhà nghiên cứu văn học sử phải khách quan trong việc nhìn
nhận đánh giá cái đẹp và chú trọng đến tính hình thức, tính nghệ thuật của văn
học. Trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Thanh Lãng lại đưa
ra một tiêu chí phân kỳ độc đáo: “Tiêu chí thế hệ”. Trong phần “Văn học
thời đại mới” Thanh Lãng đã dùng phương pháp này để “cắt lát” văn học hiện đại
thành ba thế hệ kế tiếp nhau: 1. Thế hệ Đối kháng (1862-1913); 2. Thế hệ Liên
hiệp (1913-1932); 3. Thế hệ Đoạn tuyệt (1932-1945). Ba thế hệ trên là kết quả
của phương pháp quy nạp loại hình nhà văn dựa trên sự tương
đồng về mặt tư tưởng chính trị văn hoá của mỗi nhóm tác giả
trong mỗi thời kỳ (“đối kháng”, “liên hiệp” hay “đoạn tuyệt”
là phương thức ứng xử văn học khác nhau của mỗi nhóm tác với văn học phương Tây
mà chủ yếu là văn học Pháp). Như vậy ở đây sự phân kỳ của Thanh Lãng vừa dựa
trên những biến cố quan trọng của văn học, vừa trên những đặc điểm chính trị xã
hội của thời kỳ lịch sử đó.
Như vậy, mặc dù quan niệm về tiêu chí phân kì của hai tác giả
Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ không giống nhau, song cả hai ông đều kết hợp nhiều
tiêu chí khác nhau (thuộc cả nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật) để phân
kỳ văn học. Do đó các ông có một cách nhìn nhận không mang tính “quyết định
luận”, và cũng đánh giá khách quan, thấu đáo nhiều hiện tượng văn học có giá
trị nghệ thuật (như Thơ Mới, Tự lực văn đoàn). Tuy nhiên, cả hai cách lựa chọn
tiêu chí phân kỳ nêu trên vẫn còn những “lỗ hổng” khiến cho diện mạo lịch sử
văn học chưa thể được “lấp đầy”. Mặt khác, một bộ phận quan trọng của văn học
Việt Nam hiện đại là văn học cách mạng, (văn học “khu vực bất hợp
pháp” thời Pháp thuộc) không được theo dõi và đánh giá.
Phương pháp nghiên cứu
tác giả
Như chúng tôi đã phân tích trong các phần
trước, đối tượng mà các công trình văn học sử theo quan điểm mác xít
hướng đến, trước hết phải là những yếu tố nội dung. Nền văn học ấy có biểu hiện
“chủ nghĩa yêu nước”, “tinh thần dân tộc”, “tính chất nhân đạo”, “tính đấu
tranh” không? Việc nghiên cứu “tác giả” trở thành thứ yếu và phụ thuộc vào các
yếu tố nội dung ấy. Các bộ văn học sử miền Bắc “đặc biệt coi trọng thái độ
chính trị của từng tác gia” [8;6] cũng như “ý thức đấu
tranh giai cấp” của họ[16;17.] Phương
hướng nghiên cứu tác giả phổ biến là xuất phát từ “tình hình xã hội, trạng thái
đấu tranh giai cấp, cùng những nhân tố xã hội đã quyết định tính chất và khuynh
hướng của các dòng văn học”, rồi mới “lần lượt nghiên cứu từng tác gia” – một
kết luận đã được ấn định trước và vừa được chứng minh [13;516]. Cách tiếp cận
như vậy có ưu điểm là nó đã chỉ ra được sự tác động của yếu tố xã hội lịch sử
với mỗi tác gia, nhưng nhược điểm là chưa thể hiện được ảnh hưởng, đóng góp trở
lại, riêng biệt và không thể thay thế tác gia đó với nền văn học dân tộc.
Xét một cách tổng thể, số lượng các tác gia được
nghiên cứu độc lập ở cả hai công trình của Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ trên đều
rất lớn: Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên: 70 tác
gia; Bảng lược đồ Văn học Việt Nam : 39 tác gia- chưa
kể đến những tác gia được nhắc đến hoặc được rút ra làm luận cứ, luận chứng cho
các chương mục. (Trong khi đó, bộ Lược thảo- bộ có số lượng
tác gia được nghiên cứu vào loại nhiều nhất ở miền Bắc cũng chỉ có 22 tác gia).
Rõ ràng sự chênh lệch số lượng này thể hiện những quan niệm khác nhau về sự lựa
chọn tác gia tiêu biểu của mỗi vùng miền.
Về cơ cấu đội ngũ tác gia, do nghiên cứu dựa trên
những tiêu chí thuộc về hình thức nghệ thuật, thuộc về bản thân đời sống văn
học hơn là những tiêu chí nội dung, tiêu chí chính trị xã hội nên Phạm Thế Ngũ
và Thanh Lãng đã có sự mở rộng cơ cấu nghiên cứu tác gia. Một số tác gia – do
thái độ chính trị “có vấn đề cần bàn” – nên không được giới nghiên cứu mác xít
lúc ấy nhắc đến hoặc nhắc một cách dè dặt trên tinh thần phê phán là chủ yếu
như Chu Mạnh Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Tôn Thọ
Tường, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tường Tam, Dương Khuê, Hồ Biểu Chánh.....
thì công trình của Phạm Thế Ngũ và Thanh Lãng lại được nghiên cứu một cách kỹ
lưỡng – tất nhiên về mặt đóng góp với đời sống học thuật, văn hoá, văn học nước
nhà. Thêm vào đó, việc Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ quan tâm nhiều hơn đến
văn học miền Nam nói chung và các tác gia miền Nam nói riêng (như Bùi Hữu
Nghĩa, Hồ Biểu Chánh...) cũng góp phần mở rộng hơn cơ cấu tác gia nghiên cứu
(cũng chính là mở rộng thêm diện mạo văn học dân tộc).
Cả Phạm Thế Ngũ và Thanh Lãng đều có ý thức tìm hiểu, đánh giá một
tác gia thông qua tổng số lớn nhất, chuẩn xác nhất những tư liệu, văn bản trực
tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tác giả. Đánh giá khá đầy đủ khối lượng tác
phẩm đã đành, hai ông còn quan tâm đến các công trình nghiên cứu, các cuộc
tranh luận, bàn luận của các nhà nghiên cứu khác về tác giả rồi qua đó đưa ra
những luận điểm của riêng mình. (Đó chính là cách các ông đã làm khi trích dẫn
liên tục các ý kiến khác nhau về trường hợp Hoàng Ngọc Phách, Tản Đà, Vũ Trọng
Phụng...) bằng một phương pháp thực chứng rõ rệt. Hai ông
cũng luôn có ý thức đặt nhà văn vào bối cảnh văn hoá, xã hội, lịch sử
cụ thể của thời đại, của thế hệ anh ta để đánh giá những đóng góp và
của những giới hạn không thể vượt qua của nhà văn đó. Đó cũng là lý do chủ yếu
của những nhận định: “Nhưng tất cả chỉ là tương đối. Cái mà ngày nay ta
cho là khuyết điểm. Ta nên nhớ Nguyễn Trọng Thuật viết truyện vào cái thời mà
mục đích của nghệ thuật là phục vụ luân lý, đạo đức, chính nghĩa (...) Nguyễn
Trọng Thuật, bởi vậy là người ở trong thế hệ ông” [5;514] hoặc: “Muốn biết
chính những nhà nho đã hiểu và thưởng thức văn Nôm như thế nào thì phải trở lại
đọc những bài phê bình theo lối trực giác giản ước của mấy nhà phê bình lớp
trước ấy” [6; 209]. Đây chính là những dấu hiệu của sự kết hợp giữa quan
điểm lịch sử cụ thể với phương pháp nghiên cứu văn học lịch sử vốn
rất được “ưa chuộng” sau này.
Những phương pháp chủ yếu trên kết hợp với các thao tác cụ thể:
phân tích, bình luận, thống kê... là sự biểu hiện bước đầu tính khoa học của
công trình nghiên cứu. Đó là những phương pháp mà giới văn học sử phương Tây đã
sử dụng ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, trong đó có phương pháp xã hội học mác
xít. Sự kết hợp nhiều phương pháp khác nhau là một yêu cầu tất yếu đối với một
đối tượng phức tạp, “đa diện”, “đa trị” như lịch sử văn học và ở mặt này giới
nghiên cứu miền Nam đã có những đóng góp đáng ghi nhận.
Phương pháp nghiên cứu tác phẩm
Về tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm văn học, các nhà nghiên cứu
mácxít ở miền Bắc giai đoạn 1954-1975 khá thống nhất trong quan điểm. Trên tạp
chí Văn – Sử - Địa số 17 (tháng 5/1956), Văn Tân – tác giả của hai bộ Sơ
thảo và Sơ giản đã khẳng định tiêu chuẩn để
định giá trị một tác phẩm văn hoá là “tiêu chuẩn chính trị” và “tiêu chuẩn nghệ
thuật” trong đó tiêu chuẩn thứ nhất bao giờ cũng được đặt trước tiêu chuẩn thứ
hai [13;509]. Thêm nữa, trong tiêu chuẩn thứ nhất (“nội dung”) họ luôn
hướng sự quan tâm đến nội dung “phản ánh sinh hoạt xã hội” đến tính
chức năng của nội dung đó hơn là những nội dung tự thân của nó. Với
phương pháp này, nhiều mối quan hệ giữa các tác phẩm văn học và môi trường sáng
tác, bối cảnh lịch sử, xã hội xung quanh tác giả tức là với những yếu tố “ngoài
văn học”đã được làm sáng tỏ. Song cũng chính vì thế mà tính nghệ thuật, tính
hình thức hay những liên hệ nội tại của tác phẩm đôi khi lại bị coi nhẹ hoặc
chưa được nghiên cứu đầy đủ, số lượng tác phẩm được trích giảng không thật
nhiều (trừ Lược thảo) và chưa thể hiện được sự đa dạng của
phong cách văn học do sự “sàng lọc” của các tiêu chí chính trị nội dung nêu
trên.
Trong ba bình diện nghiên cứu tác phẩm văn học về mặt lý luận: 1)
Cấu trúc văn bản; 2) Bình diện tâm lý – xã hội; 3) Bình diện dân tộc- thời
đại thì Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ đều dành sự chú ý cho cả ba.
Về cấu trúc văn bản, cả hai nhà nghiên cứu đều quan
tâm đến tính chỉnh thể của tác phẩm văn học: họ nghiên cứu tác phẩm văn học
trên cả hai bình diện nội dung và nghệ thuật mà không thiên lệch về bên nào.
Tuy nhiên, họ chưa đặc biệt phân tích mối liên hệ qua lại chặt chẽ giữa nội
dung và nghệ thuật. Cách làm phổ biến vẫn là tách riêng “nội dung” (cốt truyện,
tư tưởng, nhân vật…) và “nghệ thuật” (kết cấu, bố cục, ngôn từ, thể cách...)
như hai mục độc lập trong qúa trình phân tích tác phẩm (thao tác chủ yếu họ sử
dụng: lược thuật, phân tích, bình giảng...)
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn nhận thấy- dù không thường xuyên- dấu
hiệu của thi pháp học trong công trình của họ: Thanh Lãng và Phạm
Thế Ngũ đều có đề cập nhiều lần đến “quan niệm” của nhà văn về con người về
nghệ thuật, và sự ảnh hưởng của quan niệm ấy đến các yếu tố khác của tác phẩm.
(Ví như Phạm Thế Ngũ viết về Lê Văn Trương: vì nhà văn quan niệm con người lý
tưởng phải là một “người hùng”, một “siêu nhân” nên “tiểu thuyết của ông có
khuynh hướng lý tưởng (....) khuynh hướng luận đề” [6;550]). Theo dõi những
“khái niệm công cụ” khi phân tích tác phẩm, chúng ta nhận thấy họ cũng đã có
nhắc và bàn đến “không gian”, “thời gian”, “chất thơ”, “kết cấu”, “cảnh trí”,
“phong cách”, “ngôn từ”... trong tác phẩm. Tóm lại, dưới ánh sáng phân tích của
khoa học phương Tây, họ phân chia các tác phẩm thành nhiều lớp để tiếp cận nó,
và đã bước đầu chạm đến thi pháp học, đặc biệt là Thanh Lãng. Đơn cử như khi
ông khái quát: “ Lưu Trọng Lư là thi sĩ của những âm thanh rền rĩ, êm đềm
tản mát trong cỏ cây...” [5;750] hay “Vang bóng
một thời của Nguyễn Tuân nó thơ thứ nhất
ở khung cảnh, một khung cảnh trong đó mọi cái đang tàn tạ, chập chờn, nó
thơ ở trong quan niệm thời gian đang tiêu mòn, lả lướt...” [752].
Còn Phạm Thế Ngũ, đôi khi ông nghiêng về phê bình ấn tượng
và đặc biệt chú ý tính “mỹ cảm”, “xúc cảm nghệ thuật” của tác phẩm – như đoạn
viết về tiểu thuyết Nhất Linh sau đây: “Thêm vào những khung cảnh về quê quen
thuộc để giác quan nhuộm tươi ánh sáng đồng nội hay ký ức ôn lại kỷ niệm ấu
thơ, ao ước in bóng chòm tre những đêm sao, luống cải nở hoa vàng có bướm trắng
bay lượn (...) hồn mộng vẫn chập chờn đôi cách bướm trắng, hình ảnh của một hạnh
phúc thiên đường đã trót để lỡ” [6;642].
Về mối liên hệ ngang trên bình diện tâm lý xã hội, cả hai nhà nghiên cứu
đều phân tích đến sự phản ánh tâm lý xã hội, tâm lý thời đại của tác phẩm văn
học, tuy nhiên, đó không phải là sự phản ánh trực tiếp, đơn giản các sự kiện xã
hội mà thông qua những “bộ lọc” riêng: Phạm Thế Ngũ chú ý đến hai khía
cạnh quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh của thời đại, còn Thanh Lãng
thì đặt tác phẩm vào tâm lý chung của thế hệ mà tác phẩm được sinh ra. Không
chỉ phân tích ảnh hưởng của “tâm lý xã hội – tâm lý thời đại” lên quá trình
sáng tác, hai nhà nghiên cứu trên còn đặc biệt lưu ý tác động của nó đến qúa
trình tiếp nhận văn học. Đây là một nét mới, hiện đại, là đóng góp
riêng của hai công trình này với ngành văn học sử Việt Nam. Khi tìm hiểu một
tác phẩm, hai ông luôn có ý thức tìm hiểu thái độ và cách thức tiếp nhận của
độc giả đương thời hoặc ở nhiều thời khác nhau. Quay trở lại trường hợp Tố
Tâm: Phạm Thế Ngũ đã viết hẳn một mục mang tựa đề “Người đương thời
với Tố Tâm” để “hiểu rõ tại sao Tố Tâm đã
gây được một tiếng vang lớn, đã chinh phục được độc giả”; nguyên nhân chính là
do tiểu thuyết này đã “ứng hoạ” đã đáp ứng được nhu cầu tâm lý của lớp độc giả
trẻ lúc bấy giờ. Thanh Lãng cũng dành đến hai trang để nói về “ảnh hưởng ngoài
ý muốn tác giả” của tiểu thuyết Tố Tâm với công chúng
thế hệ 1913-1932.
Phương pháp nghiên cứu tiểu sử tác giả đôi lúc
cũng được áp dụng để giải thích và bình luận tác phẩm. Đó là trường hợp Phạm
Thế Ngũ giải thích về tính lý trí trong thơ Thế Lữ [6;579] hay
chất hiện thực trong phóng sự Vũ Trọng Phụng [523] ... hoặc
Thanh Lãng lý giải vấn đề tôn giáo của thơ Hàn Mặc Tử , mối sầu riêng
trong Giọt lệ thu – Tương Phố [499] ....
Sự khám phá tác phẩm văn học trên bình diện văn hoá- lịch
sử cũng là một điểm mạnh của hai công trình nêu trên. Cả Phạm Thế Ngũ
và Thanh Lãng đều dành một phần quan trọng của công trình để nghiên cứu những
tri thức văn hoá, nghệ thuật cần thiết cho việc tìm hiểu tác phẩm (như bối cảnh
văn hoá, học thuật... của từng giai đoạn; vấn đề ngôn ngữ văn tự, tính chất
vùng miền trong văn học...). Đặc biệt là Phạm Thế Ngũ, do lấy cơ sở xuất phát
là sự vận động các thể loại trong tiến trình văn học dân tộc nên ông đã theo
dõi rất kỹ qúa trình hình thành phát triển của mỗi thể loại từ truyền thống đến
hiện đại. Ông chỉ rõ cho người đọc con đường tiểu thuyết đã đi từ “truyện Nôm”
của văn học trung đại, đến “tiểu thuyết dịch” và “phóng tác” thời cận đại và
những tiểu thuyết thực sự của văn học hiện đại : Đó là con đường vừa kế thừa,
tiếp thu vừa vượt qua những giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời
cũng là con đường không ngừng sáng tạo ra những yếu tố mới. Nhà nghiên cứu đã
áp dụng rất thành thục các phương pháp loại hình học văn hoá, loại hình thể
loại tác phẩm... để có được những phân tích xác đáng và có giá trị nêu trên.
ở cấp độ quốc tế, Phạm Thế Ngũ và Thanh Lãng cũng đã đạt được
những thành tựu nhất định trong việc nghiên cứu quát trình giao lưu, ảnh hưởng
của văn hoá - văn học phương Tây (chủ yếu là văn học Pháp) đến văn học Việt Nam
nửa đầu thế kỷ XX. Những ảnh hưởng này được phân tích đến cấp độ của từng
tác phẩm: về cốt truyện và mô hình thể loại (“ tiểu thuyết phóng tác” của Hồ
Biểu Chánh), về phương pháp sáng tác (“cổ điển”, “lãng mạn”, “tượng trưng”
trong thơ 1932-1945), về chuẩn mực thể loại (“tiểu thuyết tâm lý” của Hoàng
Ngọc Phách , “truyện đường rừng” của Lan Khai....). Hướng tiếp cận văn học so
sánh và phương pháp nghiên cứu loại hình tuy chưa được tiến hành một cách
đồng bộ, hệ thống song cũng đã phát huy hiệu quả rõ rệt - đặc biệt trong
giai đoạn diễn ra qúa trình hiện đại hoá văn học dân tộc dựa trên sự tiếp thu
“các yếu tố ” hiện đại từ văn học thế giới.
*
*
*
Các nhà văn học sử miền Nam, do điều kiện lịch sử xã hội khác miền
Bắc, đã tiếp xúc với rất nhiều nguồn sách báo ngoại văn, đặc biệt là sách báo
của Anh, Pháp. Trong một thời gian dài cuốn Lịch sử văn học Pháp của
Gustave Lanson từ khi ra đời vào 1894 đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà viết
văn học sử Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Ngay cả các nhà viết văn học sử
sau này ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 cũng không nằm ngoài ảnh hưởng ấy.
Về phương pháp phân kỳ lịch sử văn học, Lanson vẫn khảo sát theo
thế kỉ và thời đại. Bên cạnh đó “ông quy nạp các loại hình nhà văn theo trường
phái triết học, tôn giáo. Đặc biệt ông chú ý nhiều đến nhân tố văn hóa, chú ý
nhiều đến nhân tố văn hoá, chú ý soi sáng văn học bằng các sự kiện văn
hoá...”[54]. Xét hệ thống phân kỳ VHS của Phạm Thế Ngũ, đem so sánh hệ thống ấy
với hệ thống phân kỳ lịch sử văn học Pháp của Lanson, ta thấy rất gần gũi. Đặc
biệt, việc tách văn học khỏi những khoa học xã hội khác, việc coi trọng những
nhân tố văn hoá trong khi lí giải về các hiện tượng văn học của ông cũng rất
giống quan điểm của Lanson về văn học. Thanh Lãng cũng chịu ảnh hưởng của
Lanson về quan niệm văn chương nhưng ông chịu ảnh hưởng nhiều hơn ở cách quy
nạp loại hình nhà văn (Lanson phân chia lịch sử văn học Pháp thành 7
thời kì tương ứng 7 thế hệ nhà văn). Bên cạnh đó, Thanh Lãng còn chịu ảnh hưởng
về phương pháp phân kỳ theo thế hệ nhà văn của Albert Thibaudet: Bộ Lịch
sử văn học (từ năm 1789) đã chia văn học Pháp thành 5 thế hệ nhà
văn kể từ 1789 đế trước thế chiến lần thứ nhất.
Tóm lại, những ảnh hưởng từ các hệ thống và mô hình VHS phương Tây
(đặc biệt là Pháp) đến các bộ VHS miền Nam giai đoạn 1954-1975 là không thể phủ
nhận. Tuy nhiên, đây là sự tiếp thu có chọn lọc những gì phù
hợp với đặc thù văn hóa dân tộc, với bản thân nền văn học dân tộc, đồng thời
thể hiện được phần nào tính sáng tạo của mỗi nhà nghiên cứu. Cả Thanh Lãng và
Phạm Thế Ngũ đều chỉ lựa chọn ở trường phái Lanson hay một trường phái nào khác
của phương Tây những phương pháp nào mà hai ông cho là phù hợp với văn học Việt
Nam.
Không ai có
thể phủ nhận một thực tế là do nhiều nguyên nhân lịch sử văn hoá mà hai miền
Nam Bắc có xuất phát điểm khác nhau, có hành trang khác nhau khi bước vào thời
kỳ hiện đại. Các nhà nghiên cứu văn hoá học từng nhận xét: “Văn chương miền Nam
Hà đã gần như có hẳn những phương pháp, những quy luật, một cá tính tách biệt
hẳn sự phát triển của văn chương Bắc Hà từ ngã rẽ Nguyễn Hoàng” [11;551] và
“Do di sản văn hoá quá khứ không năng nề, tính chất quan phương chính thống,
tính chất “cổ điển”, “báo học” chưa thấm sâu vào văn học viết miền
Nam nên sự kiện đại hoá ở đây đã diễn ra nhẹ nhàng trôi chảy hơn miền
Bắc” [9;292]. Chính xuất phát điểm đó đã tạo cho văn chương miền Nam nói chung
và thể loại khảo cứu phê bình ở miền Nam nói riêng một tâm thế luôn sẵn sàng
đón nhận yếu tố mới, yếu tố “hiện đại”- mà chủ yếu có khởi nguồn từ ngoại lai.
Đặc biệt, sau năm 1954, sự chia cắt về lãnh thổ, về chính trị, về
chính sách văn hoá giữa hai miền đã tạo nên những khác biệt lớn về hướng phát triển
văn học Nam-Bắc như chúng tôi đã từng đề cập phía trên. Chính sách văn hoá rộng
mở và sự có mặt của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ miền Nam khiến cho sách
ngoại văn không thể kiểm soát được. Phong trào dịch thuật cũng phát triển mạnh
mẽ “...năm 1972 số sách dịch tại miền Nam chiếm tỷ lệ 60% tổng số sách xuất
bản” [3;432]. Những nguồn sách này mang những trào lưu tư tưởng khác nhau và đã
chi phối không nhỏ đến các tác giả: Mỗi tác giả đều thoải mái lựa chọn cho mình
một lý thuyết, một quan điểm thích hợp và ứng dụng vào văn học nước nhà.
Thêm vào đó, chúng tôi muốn nói tới một nguyên nhân xuất phát từ
cá nhân nhà nghiên cứu. Cả Phạm Thế Ngũ và Thanh Lãng đều là những giáo sư
giảng dạy văn chương với nền tảng kiến thức chủ yếu được tiếp nhận từ các trường
đào tạo của Pháp nửa đầu thế kỉ XX. Do đó, trong công trình của hai ông, dấu
ấn của văn hoá Pháp và phong cách khoa học Pháp- thái độ đề cao sự duy lý,
rõ ràng, minh xác song vẫn coi trọng sự thưởng thức mỹ cảm- vẫn sâu đậm hơn dấu
ấn của văn hoá Anh, Mỹ. Cả hai ông đều cố gắng tách khoa học văn học ra khỏi
chính trị và nghiên cứu nó như một đối tượng khách quan với những phương pháp
phù hợp với đối tượng ấy.
Những thành công và thiếu sót của các tác giả trong việc áp dụng
các phương pháp khoa học vào nghiên cứu văn học sẽ là những gợi ý quý báu cho
các nhà nghiên cứu lịch sử văn học đầu thế kỉ XXI viết lại các bộ VHS mới cho
nước nhà ./.
(Lý
Hoài Thu - Hoàng Cẩm Giang)
(*) Bài viết đã đăng trên Tạp
chí Nghiên
cứu văn học số 3.2007, tr.45-60
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Sách do cá nhân biên soạn
1. Lại Nguyên Ân. 150 thuật ngữ văn học. Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội. 2002
2. Nhật Chiêu. Lịch sử văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868. Nxb
Giáo dục. Hà Nội. 2000
3. Trần Trọng Đăng Đàn. Văn hoá văn nghệ…Nam Việt Nam
1954-1975. Nxb Văn hoá thông tin. Hà Nội. 2000
4. Đỗ Khánh Hoan. Lịch sử văn học Anh. Nxb Sáng
tạo. Sài Gòn. 1969
5. Thanh Lãng. Bảng lược đồ văn học Việt Nam. Nxb Phong trào
văn hoá. Sài Gòn. 1967
Tập I: Thời kì cổ điển
Tập II: Thời kì mới.
6. Phạm Thế Ngũ. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên. Nxb
Đồng Tháp. 1999
Tập I: Văn học lịch triều Hán văn
Tập II: Văn học lịch triều Việt văn
Tập III: Văn học hiện đại.
7. Lê Văn Siêu. Lịch sử văn học Việt Nam từ thượng cổ đến hiện
đại. Nxb Thế giới. Sài Gòn. 1956
8. Văn Tân. Sơ thảo văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX. Nxb
Văn Sử Địa. Hà Nội. 1957
9. Trần Nho Thìn. Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá. Nxb
Giáo dục. Hà Nội. 2003
10. Nghiêm Toản. Việt Nam văn học sử trích yếu. Nhà
sách Vĩnh Bảo. Sài Gòn. 1949
11. Nguyễn Văn Xuân. Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân. Nxb Đà Nẵng.
2001
B. Sách do nhóm tác giả biên soạn
12. Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam. Nhóm Lê
Quý Đôn. Nxb Xây dựng. Hà Nội. 1956-1957
13. Nghiên cứu Văn-Sử-Địa (1954-1959). Những vấn đề lịch sử ngữ văn.
Viện Văn học. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội. 2004
14. Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỉ XX. Viện Văn học. Nxb
Chính trị Quốc gia. Hà Nội. 2002
15. Văn học sử- những quan niệm mới, những tiếp cận mới.Viện
thông tin KHXH. Hà Nội. 2001
16. Văn học Việt Nam. Bạch Năng Thi, Phan Cự Đệ, Hoàng
Như Mai Nxb KHXH. 1961
17. Văn học Việt Nam thế kỉ XX. Phan Cự Đệ ( chủ biên).
Nxb Giáo dục. Hà Nội. 2004
No comments:
Post a Comment