Friday, 1 January 2016

Nghĩ về nỗi đau

Có một bài hát với những lời lẽ thật đẹp, thật dịu dàng về nỗi đau mà tôi đã nghe đi nghe lại cả trăm lần:
Tựa một vòng tròn chầm chậm quay,
Tựa một chiếc bánh xe tròn xoay
Tựa một guồng sợi vàng rực tơ êm
Dù tận kiếp vẫn chưa ngừng quay
Tựa hình bóng cũ đang chìm khuất
Tựa vòng cánh cối xay còn quay
Tận vùng ký ức xa tầm tay
Một thời gian dài sau khi biết mẹ mắc bệnh, và nhất là sau khi mẹ ra đi, tôi vẫn thường hay nghĩ về nỗi đau, tôi nghĩ về hình thù và trọng lượng của nó. Tôi nghĩ, có khi nào, nếu lí trí tôi nắm bắt và hiểu được nó, tôi sẽ bớt đau đi nhiều chăng? 
Vì thế, như lời khuyên của một người bạn, tôi tập quan sát những cơn đau của mình bằng cái nhìn của một người khác. Mỗi ngày khi thức dậy, tôi tập làm quen với ý nghĩ: mẹ đã không còn ở đây, tôi không thể gặp mẹ, nhưng tôi có thể nhớ về bà mỗi ngày. Tôi tập cách không né tránh những gương mặt, những câu chuyện, những lời hỏi han, những kỉ vật, những cảnh huống... mà tôi biết chắc sẽ làm tim tôi tan nát. Tôi cũng tập nhìn thế giới xung quanh bình thường trở lại bằng cách mà trước đây tôi vẫn nhìn...
Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
                                   ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông mía trắng bên sông
Một buổi sáng nào đó sau khi mẹ đã đi, tôi bước ra đường, cũng như “tôi” trong bài thơ này. Tôi đi giữa mọi người, giữa những cơn gió đầu tiên của mùa lạnh miền Bắc. Tôi quên đi mình là ai, mình đã trải qua những gì, và ngạc nhiên vì sao có những lúc cuộc sống lại tĩnh lặng đến thế, tĩnh lặng đến mức tôi có thể nghe thấy tiếng mình thở. Đó là lúc, giống như người phụ nữ trong cuốn sách mà tôi gọi là bản “du ký đau thương”, cuốn Và khi tro bụi, tôi sẽ lên một chuyến tàu lạ một mình giữa đêm tối rồi tìm một chỗ cạnh cửa sổ, phía cuối toa tàu. Ở đó không ai biết tôi là ai, không ai hỏi tôi đang đi đâu, và ngoài kia chỉ có những đốm sáng thấp thoáng trong màn đêm mênh mông, không một cái gì thân thuộc hay gần gũi,… Khi ấy, tôi là người lạ với tất cả mọi người, là người lạ với chính tôi. Khi ấy, ngay cả nỗi đau nặng nề nhất cũng trở nên không trọng lượng.
(Có những ngày dài tôi thấy mình luôn ở trên chuyến tàu ấy. Giống như Toru trong Rừng Nauy từng lang thang đến kiệt sức trên những miền đất lạ và gào thét với sóng biển sau khi Naoko ra đi. Giống như nhân vật người nữ trong Và khi tro bụi đã thả mình vào tro bụi hư vô trên những chuyến tàu sau khi chồng mất.. Trước đây tôi thường tự hỏi, vì sao họ làm vậy? Giờ thì tôi đã tự có câu trả lời, dù bằng cách mà tôi không hề muốn).
Trên chuyến tàu tưởng tượng của riêng mình, đôi khi trong đêm, ở một sân ga nào đó, tôi bị đánh thức đột ngột bởi cảm giác mất mát, một cảm giác thật rõ ràng, trần trụi, dội từng đợt buốt lạnh trong lồng ngực. Không một lời lẽ an ủi, không một sự xoa dịu nào có ích lúc này. Tôi nghĩ đến việc tôi phải tiếp tục sống với bao gánh nặng trên vai, trong khi người thân yêu máu thịt của tôi lại không còn nữa. Tôi nghĩ đến việc còn quá nhiều điều mình muốn làm cùng người đó, sẽ làm cùng người đó, nhưng đã chưa làm và vĩnh viễn không thể làm. Tôi nghĩ đến việc dòng tư tưởng, dòng cảm xúc của người đó đang tuôn chảy sống động, bỗng dưng dừng hẳn và tắt lịm, như một bài hát kết thúc đột ngột đến phi lý, không cho nốt nhạc nào kịp ngân xa.
Một tuần sau khi không còn mẹ, tôi nằm bẹp trên giường như một kẻ bại trận, đã thua trắng tất cả và không còn đủ sức giơ tay đầu hàng. Sẽ có người nói với tôi: nỗi đau của cậu đã là gì, đã thấm vào đâu so với bao người? Sao lại hèn nhát đến thế? Sao lại kém cỏi đến thế? Chắc chắn tôi sẽ ú ớ, sẽ ngẩn ra hồi lâu mà không thể trả lời. 
Tôi chỉ biết rằng, nỗi đau là một cái gì đó tự nhiên như hơi thở, như thịt da, như máu chảy trong người. Nỗi đau giống như một quả bóng luôn lơ lửng và căng cứng trong lồng ngực không làm thế nào cho vỡ ra được. Nỗi đau là một cái gì đó không thể lựa chọn, không giải thích được, không thể cân đo xem của ai nặng hơn hay nhẹ hơn, cái nào lớn hơn hay nhỏ hơn, không thể biết nó sâu bao nhiêu nếu tự mình chưa từng chạm đến đáy. 
Tôi chỉ biết rằng, sau hai năm đã cố tỏ ra mạnh mẽ hết mức để cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh quái ác, sau chừng ấy thời gian chưa bao giờ khóc trước mặt mẹ, giờ đây tôi lại trở thành một cái bình đựng nước mắt. Tôi không làm cách nào để không khóc ở mọi chốn tôi qua, ở mọi việc tôi làm. Tôi khóc khi ngồi trên chuyến xe bus muộn trở về nhà sau một ngày mệt rũ rượi ở giảng đường. Tôi khóc khi soạn cất vào kho những quần áo ấm mùa đông khi mùa hè sắp đến. Tôi khóc khi chạm phải mấy viên thuốc bổ rơi ra từ chỗ thuốc cũ còn lại mà mẹ chưa kịp uống hết. Tôi khóc khi bấm xóa hàng trăm tin nhắn lảm nhảm và dài dằng dặc mà tôi từng gửi cho bác sĩ điều trị của mẹ. Tôi khóc khi đi ngang câu lạc bộ dưỡng sinh buổi sáng, nơi rất đông người đứng tập trong tiếng nhạc rộn ràng. Tôi khóc khi trên tivi có hình ảnh một bãi biển đẹp với bao người đang vui đùa, dạo bước. Tôi khóc khi ai đó mời tôi ăn một món ăn thật lạ, thật ngon. Tôi khóc khi thoáng ngửi thấy mùi chanh tươi, mùi na chín, mùi gừng, mùi nghệ, mùi sả, mùi dầu gió trong không khí. Tôi khóc khi ôm đứa con trai ba tuổi ngủ say trong lòng, những ngón tay bé xíu bám chặt lấy tay tôi. Tôi khóc khi đứng chải tóc, đeo giầy, cột nơ cho đứa con gái nhỏ trước khi nó đến trường. Tôi khóc khi ngồi một mình trong căn nhà vắng lặng. Tôi khóc khi kẹt xe giữa ngã tư bạt ngàn những khói những người. Có lúc tôi thấy tôi khóc khi miệng tôi đang cười. Mẹ đã dạy tôi rất nhiều điều trong cuộc đời, nhưng bà chưa từng dạy tôi cách ngừng khóc khi bà ra đi, cách chịu đựng những tháng ngày mà bà bỏ lại...
Nghĩ về nỗi đau và quan sát nó, tôi hiểu rằng có những nỗi đau vĩnh viễn chẳng bao giờ nguôi. Nó chỉ nằm lại đó, và ta biết nó vẫn luôn ở đó, một góc sâu khuất mà ta đã cố cất giấu nó vào, để tiếp tục cuộc sống vốn không cho ta chọn lựa. Chỉ có điều, cuộc sống sau nỗi đau ấy sẽ là một cuộc sống hoàn toàn khác trước. Như một người chị đồng cảnh ngộ từng nói với tôi: sau khi đã đi qua một nỗi đau như vậy, ta sẽ thấy những chuyện khác trong đời trở nên nhỏ nhặt xiết bao…  Sau nỗi đau ấy, sẽ không còn gì đủ mạnh để có thể chiếm cứ toàn bộ linh hồn ta như trước nữa. Nỗi đau cho ta thêm một chiều sâu bí mật để thế giới ta sống là một không gian ba chiều, dù những năm tháng trước đó của ta có nhạt nhẽo và mỏng nhẹ ra sao...
Còn lại đây bao khuôn mặt quen thân
Mà tuổi tên đã vùi trí nhớ
Ngày mình nghe cuộc đời chợt xa xôi
Ngày mình biết tháng năm dần trôi
Biết lá thu rơi vàng trên tóc rối
Biết nỗi đau có bao giờ nguôi
 (Tựa vòng cánh cối xay còn quay - Nguyễn Như Huy)


Dành tặng Mẹ, và tặng một người chị thân yêu.



2 comments:

  1. Chị thích dòng cảm xúc của em, đầy và sâu thẳm, trong và lấp lánh. Chị cũng có một trải nghiệm giống em, cũng biết nỗi đau đầu tiên từ mất mẹ. Nhưng chị không mạnh mẽ như em, không đối diện được với nỗi đau ấy. Sự mất đi mãi mãi là điều không chịu nổi. Chỉ chớm cảm thấy nó là lập tức đau thắt ngực. Điều kỳ diệu đến với chị lúc ấy là niềm tin mẹ vẫn ở đâu đó, trong một thế giới khác. Nó làm cho nỗi đau lập tức dịu lại. Chị đã yêu Phật giáo bắt đầu từ niềm tin đơn sơ đó

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Sự mất đi mãi mãi là điều không chịu nổi", "niềm tin mẹ vẫn ở đâu đó, trong một thế giới khác" - đó chính xác là những điều mà em đang trải qua, em đang đẩy mình ngụp sâu đến đáy những suy tư đó, chị ạ. Có lẽ em cũng đã bắt đầu yêu Phật giáo, tâm em đã hướng về Phật giáo từ giây phút nào đó mà em chưa tự ý thức được... Cảm ơn chị thật nhiều vì những lời thấu cảm này...

      Delete

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...