Friday, 7 November 2014

Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối




Quán café của tuổi trẻ lạc lối? Tại sao?
Vì ở nơi ấy, “phố dẫn thẳng tới bầu trời, như thể dẫn tới một rìa vách đá” (Modiano).
Bởi vì cô, Louki, luôn muốn gọt đi những cạnh sắc của nỗi cô đơn, luôn muốn trốn vào đám đông, luôn muốn ẩn mình ở góc xa nhất của một quán café tối. Mọi người đọc sách – cô đọc, mọi người uống rượu – cô uống, mọi người chuyện phiếm - cô góp lời..., tất cả chỉ để được yên ổn với nỗi cô độc của mình. Nhưng ngay cả khi như vậy – mặc cho cô xoay xở và ngụy trang bằng mọi cách - cô vẫn không thoát khỏi những đôi mắt bám riết lấy cô, chằm chằm nhìn vào nội tâm cô, quá khứ và hiện tại của cô, biết rõ từng bước chân hay từng màu áo hay từng hơi thở của cô. Cô vẫn khác biệt, vẫn lạc lõng. Nhưng sự lạc lõng với người khác không quan trọng bằng sự lạc lõng với chính mình.
"Lạc lối" thực sự chỉ bắt đầu khi cô không thể nắm bắt được sự hiện hữu của bản thân cô, cô trôi dạt bên lề mọi sự, tâm trí cô luôn trượt ra ngoài thực tại, như một kẻ luôn đi vào đường ngược chiều. Chỉ có ký ức (mặc dù đứt đoạn) là vẫn sống động, vẫn cựa quậy, vẫn thở, vẫn thức. Ngay cả chuyện bị cảnh sát bắt vì lang thang ngoài đường giữa đêm, qua tấm màng lọc của cô, cũng thật đẹp và thú vị nhường nào.
Tồn tại của cô vừa mỏng dẹt vừa trống hoác, sền sệt và bám dính như một thứ hồ loãng – nó cho cô vừa nhiều lại vừa ít cơ hội để vẫy vùng, để thở. Nó là căn phòng chật chội tầng sáu nơi cô vẫn trốn khỏi hằng đêm mỗi khi mẹ vắng nhà, nó là tầng trệt ngột ngạt khi cô sống với anh chồng đáng thương, nó là quán cà phê Le Condé u tối kì dị mà có một thời cô đã đến mỗi ngày… Cô là người luôn chực rời đi, ra đi, thoát bỏ những “điểm cố định” mà người khác gắng khuôn cô vào để định vị, để xác lập cho cô một diện mạo, một đánh giá nào đó… Cô không thuộc về một căn phòng, một văn phòng, một tòa nhà, một công sở nào cả. Cô không phải là một biệt hiệu người ta chép lên cuốn sổ tiệm café, cô không phải là dòng chữ ghi trong sổ đen cảnh sát, cô không phải là một cái tên trong cuốn hộ tịch, không phải một con số, không phải Jacquelin, không phải Louki…  Mặc dù, cô có thể là tất cả những cái đó, nhưng cùng lúc, cô vẫn luôn là một ai đó khác. Trong khi ở một nơi nào đó thì cô luôn vẫn ở một chốn khác. Có tất cả bốn người thay nhau xưng tôi kể chuyện về cô trong cuốn sách, nhưng rút cuộc, cô vẫn chỉ là những mảnh ghép mong manh vụn vặt, bay lả tả trong ký ức của những người xa lạ.
Rồi, sau tất cả những điều đó, sự lạc lối của tuổi trẻ vẫn đẹp lắm, đẹp vô cùng. Nó cho họ những chân trời khác, những khí quyển khác, những bờ bến khác... Giống như những gì Vàng Anh đã kể trong Khi người ta trẻ: chỉ có tuổi trẻ mới cho phép người ta ít nghĩ đến sự đánh đổi, sự cân đo nặng nhẹ, thiệt hơn, để dám dấn thân, dám sống cho mình, dám trải nghiệm, dám lầm lạc, vấp váp, bế tắc, cuồng nộ, dám nếm thử tất cả mọi mùi vị của cuộc đời…
Tôi yêu cách Modiano viết về một con người, vừa tỉ mỉ lại vừa lơ đãng, vừa day dứt lại vừa nhẹ nhõm, vừa cay đắng vừa dịu dàng, vừa nghiêm trang vừa hài hước…, là một thứ bóng tối lặng lẽ dâng lên trên những ngõ nhỏ Paris, nơi ánh sáng cứ chòng chành từ lề này sang lề bên kia con đường rồi cuối cùng cũng tan hẳn vào đêm, nhường chỗ cho một nỗi buồn vô tận.
[Viết nhảm ở cafe Mai - quán café của tuổi già lạc lối ^^]





Văn chương còn có ích?

Cuối cùng thì, văn chương sẽ vẫn còn có ích, cho đến khi người ta còn băn khoăn về việc nó-có-ích-hay-không? Cũng như, người ta vẫn nói, đối lập với YÊU không phải là GHÉT, mà là VÔ CẢM. Dẫu cho văn chương làm ta vui tươi trong chốc lát về sự-có-ích của nó, hay làm ta day dứt, bực dọc, phiền muộn dai dẳng về sự-vô-ích của nó, thì có nghĩa nó vẫn là một mối bận tâm nào đó, đủ lớn để chiếm một chỗ nào đó trong ta, để gợn lên một vài làn sóng nhỏ nơi mặt hồ vốn ưa yên tĩnh của ta. Chỉ khi nào ngay cả sự bực dọc, muộn phiền, day dứt cuối cùng đã mất đi, cũng có nghĩa văn chương đã thực sự vô ích, vô ích một cách tuyệt vọng và có lý, và không thể vãn hồi.
Tôi chợt nhớ Adele và Emma trong phim "Blue is the Warmest Color". Tôi nhớ đến cách họ yêu nhau và cách họ đánh mất tình yêu cũng khốc liệt như cách họ sở hữu nhau vậy. Nhưng đáng nói nhất có lẽ là cái kết: dù Adele đã cố gắng cứu vãn tình yêu đang hấp hối ấy, nhưng nó đã chết, trong màu xanh lạnh lẽo của chiếc váy rất đẹp mà nàng mang như là sự quyến rũ (ảo tưởng) cuối cùng dành cho Emma. Rồi nàng rời khỏi buổi tiệc, một mình với chiếc váy xanh, nơi Emma của nàng ở lại – không hề oán thán hay căm giận nàng – chỉ đơn giản là không còn nhu cầu muốn biết nàng đi đâu, nàng tới đâu và váy nàng màu gì!
Đi dạy “văn”, đôi khi tôi thấy mình đang đuổi theo cái gọi là sự-có-ích của văn chương, sự-có-ích luôn cách tôi một quãng rất ngắn, như những đốm nắng chạy trước mũi xe tôi, cuốn hút và sống động đến mức có lúc tôi đã nghĩ mình chạm được vào chúng. Nhưng sự thật không phải vậy, cuối cùng thì xe tôi vẫn phải chạy, còn tôi vẫn chưa biết bao giờ những đốm nắng mới chịu dừng lại để đậu xuống vai kẻ bám đuôi khờ khạo. Chỉ có điều, cũng vì thế mà tôi có cớ để tiếp tục nghĩ về chúng, hơn là về quãng đường xa mỏi mệt, buồn nản và nhiều khi vô vọng của mình.
[Lan man nhân một cuộc nói chuyện nhiều hoang mang...]












Những vì sao đi vắng...

Chênh vênh, bất an, trống trải, bấn loạn, cuồng nhiệt, mê đắm… Thật khó có thể gọi tên chính xác cảm giác thật sự khi xem hai vở múa này: "Những vì sao đi vắng" và "Nơi ta từng bên nhau". 
Đó có phải là, một vẻ đẹp vừa mơ hồ vừa đầy khao khát của những điều-đi-vắng, của cái nằm đâu đó ngoài lề, của một tiếng thở dài len lén với quá khứ, của những đợt sóng hình thể chuyển động, va đập, hòa quyện ngoài khơi xa rồi bất ngờ tan rã, đứt gãy khi mới chạm bờ...? Cực đoan và nên thơ. Âm u và sống động… ? Hay đó chính là sự quẫy đạp của rất nhiều điều đã bị khái niệm hóa (tuổi trẻ, tình yêu, ký ức) trong một thực tại mênh mông, trống hoác, im lìm, giá lạnh và đầy bóng tối?
Giống như Louki ở “Quán café của tuổi trẻ lạc lối”, Naoko của “Những vì sao…” cũng không nắm bắt được sự hiện hữu của chính mình. Cô trôi dạt bên lề thực tại, tâm trí cô luôn trượt ra ngoài cô, ý nghĩ của cô như một kẻ thường đi vào đường ngược chiều. Trong khi ở "nơi đây", cô cũng đang ở một chốn khác. Và bởi thế, cô đứng lại chỉ là để là rời đi xa hơn, để ngày một xa cách chính mình.
Rồi, như Modiano đã viết, ở nơi ấy, “phố dẫn thẳng tới bầu trời, như thể dẫn tới một rìa vách đá”, ai có thể ngờ cái không gian đô thị ngột ngạt kia lại có thể dẫn tâm trí người ta đến một bầu trời rộng lớn, lạ lùng và vẫy gọi đến thế? Một câu hỏi lẩn thẩn là liệu Murakami có vui khi ông biết "Rừng Nauy" đã được trồng lại theo một cách hoàn toàn khác, trên vùng đất không có lời lẽ, xóa bỏ cả những nỗi xúc động mang tính “melo”, để chỉ giữ lại duy nhất một điều thôi: một nỗi buồn không đáy?










Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...